Ngày 5/6, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức hội nghị “Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.”
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Khu công nghệ cao. Các chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, đại diện các tập đoàn công nghệ cũng đã chia sẻ về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại các nước phát triển, nhu cầu và chiến lược nội địa hóa sản phẩm của các tập đoàn công nghệ trên thế giới, những vướng mắc khó khăn trong cung ứng nguyên liệu của công nghiệp hỗ trợ...
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc bộ phận thu mua Intel Việt Nam, dù muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn ở Việt Nam nhưng công ty gặp rất nhiều khó khăn bởi số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được điều kiện còn quá khiêm tốn. Đây cũng là những khó khăn chung của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghệ cao.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu nội địa hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghệ cao.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban SHTP cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ cao trong Khu đã ý thức được tầm quan trọng của việc nội địa hóa nguồn cung ứng nên đã ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm các đối tác trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nội địa hóa hiện chủ yếu là đáp ứng cho các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa, trong khi các chi tiết máy phức tạp hơn, yêu cầu độ chính xác cao vẫn đang thiếu nguồn cung.
Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng một số chính sách vẫn chưa đáp ứng đầy đủ cho doanh nghiệp. Về lâu dài, vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ mang tính định hướng và đột phá để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Song song hội nghị, ban tổ chức đã tổ chức triển lãm và trao đổi thông tin về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, giúp các doanh nghiệp cung ứng bên ngoài Khu công nghệ cao hiểu rõ hơn về nhu cầu nội địa hóa của doanh nghiệp bên trong Khu công nghệ cao, đồng thời tạo cơ hội tốt để kết nối kinh doanh cùng doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ trong tương lai./.