Công nghiệp chip bán dẫn của Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang ở thế khó trước cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả hai nước này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.
Công nghiệp chip bán dẫn của Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức ảnh 1Ngành sản xuất chip ở Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng "lao dốc" kéo dài. (Nguồn: FT)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, trong đó có Samsung Electronics, đang ở thế khó trước cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả hai nước này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Chưa kể, ngành sản xuất chip ở Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng "lao dốc" kéo dài.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trong tháng Bảy vừa qua tiếp tục giảm tháng thứ 10 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu yếu đối với chất bán dẫn.

[Hàn Quốc cam kết tích cực hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chip]

Cụ thể, doanh số bán hàng của Hàn Quốc ở nước ngoài trong tháng 7 đã giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 50,33 tỷ USD, phần lớn là do xuất khẩu chất bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu chính, giảm gần 34%.

Riêng đối với mặt hàng chip, xuất khẩu giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 7,44 tỷ USD, kéo dài sự sụt giảm doanh số kể từ tháng 8/2022.

Trước đó 1 ngày, Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) - cơ quan tư vấn của nhà nước, cho rằng mức sụt giảm của lĩnh vực chip đang dịu bớt, báo hiệu nước này có thể chứng kiến sự phục hồi đã được chờ đợi từ lâu vào cuối năm nay.

KDI nhấn mạnh doanh số bán chip của nước này vẫn rất quan trọng đối với các số liệu thương mại tổng thể và nền kinh tế, vì xuất khẩu chất bán dẫn giảm 10% dẫn đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc giảm 0,78%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các nhà sản xuất chip Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Theo KDI, các nhà hoạch định chính sách và nhà sản xuất chip hiện vẫn đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào chip bộ nhớ - chiếm 63,8% lượng chất bán dẫn xuất khẩu vào năm 2022.

Nhiều cuộc thảo luận về nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư chip, nhưng các chính sách và kế hoạch đầu tư cụ thể vẫn chưa được vạch ra, đặc biệt là khi xem xét những thay đổi trong xu hướng công nghệ liên quan đến chip.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cần xem xét vấn đề lực lượng lao động một cách nghiêm túc hơn.

Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang ráo riết tuyển dụng các kỹ sư chip bằng cách hứa hẹn mức lương cao, vì tình trạng thiếu lao động lành nghề đang cản trở hoạt động của các cơ sở sản xuất chip mới.

Hơn 60 cơ sở bán dẫn mới đang được xây dựng trên khắp thế giới, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh nhiều hơn để đảm bảo các kỹ sư chip trong những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục