Công nghệ số sẽ thay đổi xu hướng du lịch thông minh Việt Nam thế nào?

Trong tương lai gần, việc chuyển đổi sang du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi theo hướng tiếp cận kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm.
Công nghệ số sẽ làm thay đổi xu hướng du lịch thông minh Việt Nam trong tương lai. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Theo nghiên cứu, thị trường du lịch thông minh toàn cầu dự kiến sẽ đạt 28,7 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.

Bên cạnh việc ra mắt ứng dụng VNeID đóng vai trò vừa là thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam và vừa là nền tảng để du khách nước ngoài tải lên giấy tờ, Việt Nam cũng đã ra mắt thẻ Viet-Smart Travel Card vào tháng 5/2023 để du khách đặt khách sạn và vé máy bay, cùng một số dịch vụ du lịch khác. Vậy, bước tiếp theo sẽ là gì?

[Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn]

Một cách để Việt Nam tăng cường nỗ lực phát triển du lịch thông minh là tận dụng các nền tảng du lịch. Là những nền tảng đa dịch vụ đóng vai trò cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, các nền tảng du lịch có tiềm năng đẩy mạnh và hỗ trợ cuộc cách mạng du lịch thông minh tại Việt Nam bằng cách cung cấp chuyên môn và quan hệ đối tác để tạo thành một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh.

Chuyển đổi từ ngoại tuyến sang trực tuyến

Thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam dự kiến đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Trên thực tế, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết hầu hết khách du lịch trong và ngoài nước (trên 60% và 75%) sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt phòng khách sạn và tour du lịch. Con đường dẫn đến du lịch thông minh được mở ra bởi công cuộc số hóa.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), sẽ có cơ hội gặt hái thành công từ quá trình chuyển đổi số. Hành trình của họ có thể bắt đầu bằng việc hợp tác với các nền tảng du lịch để thiết lập sự hiện diện trên nền tảng số.

Công nghệ số góp phần thay đổi hành vi tìm kiếm thông tin của khách du lịch. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sau đó, việc đưa các sản phẩm bản địa của họ lên mạng trực tuyến cho phép các doanh nghiệp này trở thành một phần của danh mục sản phẩm toàn diện, được kết nối với nhau và có thể truy cập được bởi hàng triệu người trên khắp thế giới.

Trên thực tế, không chỉ cung cấp cho các SMEs một vị trí trên mạng trực tuyến, các nền tảng du lịch còn cung cấp cho họ nhiều lợi ích hơn thế. SMEs hợp tác với các nền tảng du lịch sẽ có cơ hội lớn trong việc tiếp cận thị trường. Họ có thể đưa các sản phẩm/dịch vụ của mình tới toàn cầu cũng như tăng cường sự nhận diện thương hiệu.

Các SMEs cũng sẽ có cơ hội truy cập vào các dữ liệu phân tích quan trọng giúp họ điều chỉnh các sản phẩm/dịch vụ một cách hiệu quả hơn, bằng cách hiểu rõ sở thích của khách hàng, cũng như xu hướng và nhu cầu của thị trường. Điều này tạo ra lợi ích tuần hoàn, với chiến lược tiếp thị liên tục được tinh chỉnh một cách có mục tiêu để tiếp cận đúng đối tượng vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên.

Tư duy lấy khách hàng làm trung tâm

Chuyển đổi sang du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi theo hướng tiếp cận kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm. Ví dụ, trong tour diễn của nhóm nhạc Blackpink kéo dài hai ngày 29 và 30 tháng 7 năm nay tại Hà Nội, lượng người hâm mộ quốc tế khổng lồ đã đổ về Việt Nam, khiến lượng du khách tại nhiều điểm đến khác nhau tại thủ đô đã tăng đến 20%.

Các nền tảng du lịch đã chứng kiến tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn tăng 15%, và chi tiêu cho thực phẩm, vận tải, mua sắm và dịch vụ địa phương cũng tăng lên đáng kể. Những giải pháp một cửa như vậy dành cho khách du lịch rất quan trọng – cung cấp sự hỗ trợ ở mọi giai đoạn trên hành trình trải nghiệm của khách hàng, từ tìm kiếm, đặt phòng, đến các dịch vụ trong chuyến đi và đánh giá sau chuyến đi.

Chủ tịch Traveloka, ông Caesar Indra cho rằng để thành công, lộ trình du lịch thông minh của Việt Nam cần có một chiến lược minh bạch, phối hợp và bền vững. (Ảnh: NVCC)

Mặt khác, khía cạnh vận chuyển trong du lịch thường là một mối lo ngại, đặc biệt ở Đông Nam Á - nơi có các quy tắc khác nhau áp dụng cho từng quốc gia. Bằng cách hợp tác với các nền tảng du lịch, các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thể số hóa việc đặt chỗ, đặt phòng và các yêu cầu của khách hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi du lịch.

Họ cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các ngành với các tổ chức tài chính hay các công ty thực phẩm và đồ uống, cho phép du khách có thể tạo ra được các kế hoạch được cá nhân hóa. Các doanh nghiệp tích hợp vào hệ sinh thái này sau đó có thể định vị bản thân mình như là những nhà cung cấp đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở bất cứ đâu.

Và trong một xã hội ngày càng tiến tới không dùng tiền mặt, các SMEs có thể tận dụng các hệ thống thanh toán di động độc quyền và vé điện tử để cải thiện hiệu quả hoạt động và mang lại trải nghiệm khách hàng liền mạch.

Một nghiên cứu của Visa năm ngoái cho thấy 77% người tiêu dùng Đông Nam Á có kế hoạch sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Với sự phổ biến của các tùy chọn thanh toán số hiện nay, sẽ là thiếu sót nếu các doanh nghiệp không cung cấp các dịch vụ như vậy cho du khách.

Lộ trình minh bạch và bền vững

Để thành công, lộ trình du lịch thông minh của Việt Nam cần có một chiến lược minh bạch, phối hợp và bền vững. Khi các bên liên quan với các điểm mạnh khác nhau cùng tập hợp lại, dù là cùng nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận hay thúc đẩy tính bền vững, thách thức ở đây là đảm bảo mọi người đều thống nhất với mục tiêu chung là nâng tầm ngành du lịch của đất nước.

Cơ quan chính phủ có thể tiên phong trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ số và tạo ra khung pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Dựa trên các sáng kiến du lịch thông minh được triển khai gần đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vào tháng 7 vừa qua đã vạch ra kế hoạch bao gồm việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch.

Công nghệ hỗ trợ hoàn thiện cho các trải nghiệm của khách du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các nền tảng du lịch có thể đóng góp bằng cách chia sẻ chuyên môn công nghệ của mình để mang lại trải nghiệm địa phương được cá nhân hóa hơn. Điều này gắn liền với xu hướng quan tâm đến phát triển du lịch bền vững, mà các doanh nghiệp trong nước thường thể hiện.

Việc giúp du khách dễ dàng khám phá các thương hiệu địa phương chính thống trực tuyến sẽ tạo ra một mạng lưới nhà cung cấp bền vững mạnh mẽ hơn, những người luôn chú trọng về việc tối đa hóa nguồn lực của họ.

Sự hợp tác này chỉ có thể gặt hái thành công nếu các bên tham gia trong ngành du lịch Việt Nam - từ chính phủ đến doanh nghiệp - chấp nhận các nền tảng số. Chúng là cốt lõi của hệ sinh thái du lịch và cũng là nền tảng của nền kinh tế. Thông qua sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với các nền tảng du lịch, Việt Nam có thể trở thành một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch thông minh để đi trước xu hướng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục