Đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Công nghệ số đem lại hơn 74 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam năm 2030

Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" cho biết nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.
Công nghệ số đem lại hơn 74 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam năm 2030 ảnh 1Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam.” (Nguồn: laodong.vn)

Chiều 18/10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng kinh tế số Việt Nam hiện nay, khả năng phát triển trong tương lai và những cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 đã cho thấy, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Hội thảo sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần cung cấp những nét tổng quan về tiềm năng kinh tế số của Việt Nam và đưa ra những đề xuất về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới," Thứ trưởng Đông mong muốn.

Khái quát nền kinh tế số Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Jacques Morisset khuyến ngh, để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.

Những điểm sáng trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 được ông Jacques Morisset phân tích có thể kể đến như: 60% các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam...

Cũng tại hội thảo, báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" cũng chính thức được công bố. Báo cáo do AlphaBeta là công ty tư vấn kinh tế chiến lược có kinh nghiệm làm việc với các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức để giải quyết những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt nghiên cứu phát hành.

[Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, truyền thông]

Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" cho biết nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm từ 15-35 tuổi trên 98%, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91% và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Việc không dành nhiều quan tâm đến tác động của công nghệ số trong các lĩnh vực truyền thống ở Việt Nam như sản xuất, sẽ dẫn đến rủi ro bỏ qua các các tác động chuyển đổi của công nghệ.

Công nghệ số được áp dụng vào các ngành truyền thống có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.

Nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy các quy định về nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chậm hơn khoảng mười lần so với Singapore, chỉ bằng một phần ba Malaysia và một phần hai Thái Lan.

Nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, NIC đã phối hợp với các đối tác như Google, Amazon… tổ chức các chương trình, tập huấn trực tuyến và nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số cho nguồn nhân lực và doanh nghiệp Việt Nam như: Retail University, Phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp về lập trình viên, kỹ năng số (AI, machine learning, game mobile…).

"Trong thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục đồng hành bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển về công nghệ số; đồng thời, các ý kiến đưa ra tại buổi hội thảo sẽ là nội dung để NIC đề xuất lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam," ông Vũ Quốc Huy cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục