Công nghệ số đem đến cho báo chí nhiều cơ hội phát triển

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan báo chí tham dự Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan báo chí tham dự Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn báo chí toàn quốc.

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn nghiệp vụ chuyên sâu, chất lượng cao, được tổ chức trong Hội Báo toàn quốc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ quan báo chí dự phiên toàn thể Diễn đàn.

Diễn đàn gồm 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số như nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; phát thanh năng động trong môi trường số; đa dạng hóa nguồn thu các cơ quan báo chí; vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số…

Với sự tham gia của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín, Diễn đàn có tầm ảnh hưởng mạnh, tác động đa chiều đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên trong cả nước.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đem đến cho báo chí nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới mạnh mẽ.

Trước những vấn đề quan trọng từ thực tiễn đặt ra, Diễn đàn được tổ chức với mong muốn là nơi trao đổi nghiệp vụ chuyên sâu, mang tính thực tiễn cao, đề cập đến vấn đề đổi mới từ phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, tư duy quản lý đến thực tiễn hoạt động báo chí.

ttxvn_nguyen manh hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới báo chí trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng, nguồn lực, yếu tố sản xuất mới, động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, mà nói lên báo chí cần phải đổi mới, không thay đổi sẽ bị thay thế.

Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Báo chí muốn đổi mới phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi, sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng; công cụ để thực hiện sự sáng tạo chủ yếu là công nghệ số.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có hoạt động báo chí diễn ra sôi động nhất cả nước.

ttxvn_phan van mai.jpg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Từ góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, thời gian qua, sự đóng góp của lực lượng báo chí đối với sự phát triển của Thành phố là rất lớn.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, báo chí đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc chuyển tải kịp thời, chính xác những thông tin quan trọng của các cấp chính quyền Thành phố, cũng như những phản biện của người dân, doanh nghiệp để chính quyền kịp thời có những quyết sách phù hợp.

Với tâm thế sẵn sàng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, kỳ vọng phải đạt được trong năm 2024.

Lãnh đạo Thành phố mong muốn báo chí quan tâm đóng góp để cùng Thành phố thực hiện thành công các mục tiêu đề ra; đồng thời mong muốn báo chí không chỉ tham gia tuyên truyền mà còn tham gia sâu hơn vào 50 công trình, dự án tiêu biểu cấp thành phố, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục