Công nghệ mới đã mang đến “cuộc cách mạng” cho thời trang và dệt may ra sao?

Việc ứng dụng công nghệ mới như in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), robot… đã thực sự thay đổi diện mạo và mang đến "cuộc cách mạng" cho ngành thời trang, may mặc toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Công nghệ in mới đã giúp các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo họa tiết trên trang phục với thời gian ngắn, tiết kiệm nguyên liệu. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Công nghệ in mới đã giúp các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo họa tiết trên trang phục với thời gian ngắn, tiết kiệm nguyên liệu. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Với cách làm truyền thống, để ra một bộ sưu tập, mỗi nhà mốt có thể mất tới vài tháng, không chỉ tốn thời gian mà còn phải dốc toàn lực cả một guồng máy vận hành từ nhân lực tới vật lực, nhà xưởng... Các bộ sưu tập thường được nghiên cứu “cơ học” để đón đầu xu hướng hoặc tạo xu hướng với tâm trạng khá phấp phỏng của người trong cuộc. Bởi vụ mùa thời trang có thành công hay không đôi khi còn “hên-xui” và các nhà thiết kế hay chủ hãng mốt khó có thể chủ động kiểm soát.

Nhưng đấy là câu chuyện “thời ơ kìa” khi chưa có công nghệ in 3D, chưa có trí tuệ nhân tạo (AI)… Giờ đây, công nghệ mới đang tạo ra “cuộc cách mạng” trong ngành thời trang và dệt may toàn cầu nhờ khả năng dự báo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và rất nhiều lợi ích khác.

Sức mạnh công nghệ bao phủ ngành thời trang

Mùa mốt Thu-Đông 2024 đã và đang cho thấy nhiều màn hợp tác thú vị, thậm chí đáng kinh ngạc giữa thời trang và công nghệ... Hai lĩnh vực này giờ đây không chỉ dừng lại ở các show diễn trực tuyến hay sử dụng người mẫu ảo. Đơn cử như, tại Tuần lễ thời trang London 2024, một loạt trang phục do AI tạo ra đã khiến công chúng không khỏi bất ngờ.

Thực thế, nhờ công nghệ “nhúng tay” mà các hãng thời trang mới đã có thể nhanh chóng dự đoán xu hướng, cải tiến vật liệu, rút ngắn thời gian từ thiết kế đến sản xuất, từ đó nhanh chóng phân phối và đưa đến tay người tiêu dùng; trong khi, các hãng thời trang truyền thống còn loay hoay đưa sản phẩm lên kệ.

“Nhà thiết kế” trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp rút ngắn thời gian thiết kế một cách “thần tốc” từ vài tháng đến cả năm xuống còn vài ngày, thậm chí theo thời gian thực, vừa thiết kế vừa sản xuất.

z6103619406042_275f9bfaee05480ffee7dc6b2e270d28.jpg
Heuritech giúp các thương hiệu phân tích các xu hướng thời trang mới. (Ảnh: Bloomberg)

Điều đáng nói là AI đã giúp các nhãn hàng dự đoán xu hướng chính xác và hiệu quả hơn nhờ khả năng phân tích khối lượng lớn dữ liệu trong khoảng thời gian ngắn (thu thập từ các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các tuần thời trang)… Việc này cũng giúp các thương hiệu tung ra sản phẩm nhanh hơn đối thủ cạnh tranh, góp phần giành được thị phần và gia tăng lợi nhuận.

Đơn cử như Zalando (trang web thương mại điện tử bán các sản phẩm thời trang và phong cách sống tại 17 thị trường châu Âu) từng “bắt tay” Google để “dạy” AI có thể hiểu về màu sắc, kết cấu, phong cách, thẩm mỹ cùng nhiều thông số chuyên ngành từ các báo cáo thời trang.

Dựa vào đó, AI sẽ tạo ra những mẫu thiết kế vừa hợp với sở thích của từng tệp khách hàng, vừa phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Hay như ở Amazon, AI còn có khả năng đánh giá một mặt hàng liệu có thực sự sành điệu, hợp xu hướng hay không…

Một trong những mối lo ngại của người tiêu dùng và cả các nhà sản xuất là việc ngành thời trang đã tạo gánh nặng cho môi trường từ quá nhiều phế liệu vải, nước xả thải. Tuy nhiên, công nghệ AI ra đời đã giúp hạn chế tối đa nguồn rác thải này bằng cách xác định chính xác loại nguyên liệu và số lượng cần thiết. Nó còn tạo ra những trang phục theo yêu cầu nhờ công nghệ mô hình hóa 3D, rồi từ đó chỉ những thiết kế nhận được nhiều lựa chọn, ưa thích nhất mới được sản xuất để hạn chế dư thừa.

Thậm chí, thời gian qua nhà mốt Balenciaga (Tây Ban Nha) cho ra đời ứng dụng mới giúp khách hàng có thể đeo tai nghe xem các chương trình trình diễn thời trang, khám phá chi tiết các bộ sưu tập và mua sắm sản phẩm có sẵn trực tiếp từ trải nghiệm này.

z6103619441980_0d642bcde0f83ee6f291f16a865307e0.jpg

Cult Gaia, một thương hiệu Los Angeles nổi tiếng với các sản phẩm túi xách, đã ra mắt chương trình membership Web3 (là thế hệ tiếp theo của Internet, được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain và các công nghệ tiên tiến khác) hợp tác với nền tảng Try Your Best. Theo đó, 2.500 vật phẩm NFT (Non-Fungible Token – mã thông báo không thể thay thế) đã được cung cấp cho khách hàng của thương hiệu. Các vật phẩm NFT đóng vai trò như một tấm vé giúp mở khóa quyền truy cập độc quyền vào nội dung, sự kiện và phần thưởng.

Giờ đây, để không tụt hậu, một số nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng đã tích hợp AI vào quy trình vận hành nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh. Như Zara có thể kiểm tra dữ liệu từ phản hồi của khách hàng và kết quả bán hàng; H&M sử dụng AI để dự đoán nhu cầu và giảm thiểu số lượng hàng tồn kho bằng cách phân tích kiểu dáng và kích cỡ có khả năng bán chạy nhất…

McKinsey & Company (công ty tư vấn quản lý toàn cầu lâu đời và lớn nhất của Mỹ tính theo doanh thu) ước tính AI tạo sinh có thể tăng lợi nhuận lên tới 275 tỷ USD cho ngành may mặc, thời trang và hàng xa xỉ trong vòng 3-5 năm tới.

Thời trang Việt Nam tăng tốc ứng dụng công nghệ

Mặc dù chưa ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như các nước phát triển, ngành dệt may Việt Nam cũng đang nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, robot hóa và dần đạt được những kết quả khả quan.

Một trong những dự án được đánh giá tiên phong sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế may mặc tại Việt Nam là của Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco) ra mắt năm 2023. Theo đại diện Dugarco, thông thường mỗi yêu cầu từ đơn hàng đòi hỏi một nhóm thiết kế từ 3-5 nhân sự thực hiện khoảng 60 thiết kế trong vòng 3 ngày (con số tùy thuộc vào đặc tính từng sản phẩm cũng như nguồn nhân lực).

3. Siêu mẫu Thanh Hằng đảm nhận vị trí Vedette cho BST _INNER_ của NTK Ivan Trần.jpeg

Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ AI, Dugarco đã có thể tạo ra 150 thiết kế chỉ trong 5 tiếng, cùng hình ảnh 3D trực quan. Đặc biệt, toàn bộ các khâu từ chất liệu đầu vào, kiểu dáng đến thống nhất thiết kế có thể thực hiện đồng bộ, giúp giảm thiểu thời gian và nhân lực. Các khâu còn lại đều thực hiện trực tuyến, giúp giảm thiểu rác thải không cần thiết ra môi trường.

Tại Faslink (công ty trong lĩnh vực cung cấp nguyên phụ liệu và công nghệ may mặc cho ngành thời trang Việt Nam), sau hơn ba năm triển khai công nghệ 3D, ban đầu việc giảm hàng mẫu chỉ đạt khoảng 30%, nhưng hiện đã tăng lên 50%, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công, nguyên vật liệu và thời gian.

Bên cạnh đó, công ty chủ yếu ứng dụng AI trong thiết kế sản phẩm, giúp đội ngũ sáng tạo phát triển ý tưởng mới nhanh hơn thông qua phân tích và gợi ý các xu hướng thời trang, dự đoán về xu hướng màu sắc và thiết kế được yêu thích.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang nhận định một trong những thành công nổi bật của ngành dệt may Việt Nam thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ robot, AI, công nghệ 3D vào nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp đang dần thay thế lao động thủ công bằng robot nhằm tăng tính ổn định và hiệu quả cho quá trình sản xuất.

Không chỉ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất mẫu mới, AI cũng được ứng dụng trong quản lý hệ thống phần mềm, giúp tăng tính minh bạch và khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ sợi, dệt đến lưu trữ và vận chuyển hàng hóa.

z6103619428410_22295796de2d48598de61d21d51b232b.jpg

Với các thương hiệu thời trang cá nhân, bằng việc ứng dụng công nghệ in 3D, các nhà tạo mẫu đã trình làng những sản phẩm thời trang mang đậm dấu ấn cá nhân, hay thỏa sức sáng tạo ra những thiết kế giao thoa giữa hội họa, nghệ thuật truyền thống với hơi thở thời trang hiện đại…

Như tháng 11 vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024, trong màn kết bộ sưu tập “Sóng xanh,” nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đã mang đến những bộ cánh ấn tượng, từ các thiết kế 3D tinh xảo đến jumpsuit họa tiết sóng nước, đậm dấu ấn cá nhân với các nếp gấp lớn và cấu trúc hình khối hoành tráng.

Những bộ sưu tập như vậy đã để lại dấu ấn đậm nét, từ những trang phục công phu sử dụng công nghệ mới đến thông điệp thời trang bền vững, đồng thời dẫn dắt giới mộ điệu đi qua nhiều cung bậc cảm xúc trên dòng chảy thị giác của thời trang đương đại./.

Năm 2023, AI trên thị trường thời trang toàn thế giới đạt giá trị xấp xỉ 795,7 triệu USD và được dự báo sẽ đạt 23.936,3 triệu USD vào năm 2033. Con số phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 40,55%. Vì thế, những người trong ngành đang lạc quan về những gì công nghệ có thể làm với thời trang.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục