Công nghệ mô phỏng giúp tăng khả năng ứng phó với nhiều thảm họa

Với sự phát triển của công nghệ mô phỏng thực tế ảo, các chuyên gia nhận định các thành phố sẽ có một công cụ hữu ích, giúp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và khó dự báo.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Siemens)

Khi bước vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19, thế giới sẽ có rất nhiều việc phải làm để có thể ứng phó với nhiều thảm họa khác trong tương lai.

Với sự phát triển của công nghệ mô phỏng thực tế ảo, các chuyên gia nhận định các thành phố sẽ có một công cụ hữu ích, giúp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và khó dự báo, từ thảm họa khí hậu đến các chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học bang Arizona (Mỹ) mới đây đã phối hợp thử nghiệm Công nghệ mô phỏng thực tế khác tại 6 thành phố lớn trên thế giới.

Lấy bối cảnh diễn ra vào năm 2022, công nghệ đã mô phỏng tình hình tại một số thành phố khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành, với nhiều mối đe dọa tin giả về phiến quân, mạng lưới viễn thông hỏng, bạo lực và cướp phá sau lũ quét.

Chuyên gia đổi mới Milica Begovic của UNDP ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định các sự kiện vào năm ngoái cho thấy dù thế giới có thể nhìn trước một loạt nguy cơ khủng hoảng, song vẫn không thể dự báo chắc chắn về thời điểm và quy mô ảnh hưởng.

[Samsung Display xuất xưởng màn hình OLED công nghệ mới]

Việc mô phỏng sẽ đem lại không gian an toàn, thực tế và dựa trên nguồn kinh nghiệm phong phú, giúp những người tham gia có thể tạo ra các mô hình về tác động cũng như cách thức ứng phó với loạt sự kiện. 

Các hình thức mô phỏng nói trên của UNDP là một phần của chương trình Ngày Sáng tạo Istanbul. Trước đó, chương trình này từng mô phỏng một thế giới không dầu mỏ, giúp các công ty chuẩn bị sẵn sàng trước các vụ tấn công mạng hay nguy cơ bị hủy hoại danh tiếng trên truyền thông xã hội.

Bối cảnh mô phỏng có thể là ở nhà, văn phòng, không gian công cộng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thấp, cho phép những người tham gia có thể tưởng tượng về các thị trường tài chính bền vững, tiền tệ mới, thậm chí là các chính sách kinh tế và tiền tệ khác biệt.

Khi lần đầu tiên trở nên phổ biến vào những năm 1990, công nghệ thực tế ảo ban đầu thường chỉ gắn các với trò video game. Trải qua thời gian phát triển, công nghệ này đang ngày càng trở nên hữu dụng trong nhiều lĩnh vực như chống lại nạn buôn người đến giảm chứng mất trí.

Theo Trung tâm tổng hợp về môi trường ứng phó tại Đại học bang Arizona, công nghệ Mô phỏng thực tế ảo khác còn bao gồm cả những suy nghĩ và cảm nhận của nhiều nhóm khác nhau, kể cả những người thường không nằm trong nhóm hoạch định chính sách.

Quá trình mô phỏng tích hợp cả những nhân vật làm việc trong ngành truyền thông, người dân bình thường trong xã hội như các bà mẹ đang đi làm hay một nhà hoạt động nữ trẻ tuổi.

Dù họ không thể kiểm soát các nguồn lực, song họ có thể bình luận, thể hiện sự ủng hộ hay phản đối các đề xuất mà chính quyền đưa ra.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gia tăng sức ép đối với các nhà lập pháp và các nhà quy hoạch đô thị trong nỗ lực xây dựng lại xã hội tốt đẹp hơn, tạo thêm các thành phố với điều kiện sống được nâng cao như nhiều không gian mở, thêm làn đường cho xe đạp, sử dụng nguồn năng lượng sạch và nhà ở có giá cả phải chăng.

Chuyên gia nhận định vào giai đoạn hậu COVID-19, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần có sự thay đổi lớn lao trong cách thức tổ chức nền kinh tế, vạch ra định hướng phát triển cả về con người lẫn hạ tầng.

Các giải pháp đơn giản và nhanh chóng cho những vấn đề phức tạp sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc vạch ra các mô hình phát triển khác biệt để ứng phó với các rủi ro trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục