Công nghệ hỗ trợ: Động lực từ cơ chế chính sách

Giữ vai trò quan trọng đối với công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhưng trên thực tế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn đang yếu thế, phần lớn sản phẩm quan trọng, có giá trị cao đều phải nhập khẩu.

Chính vì nguồn lực yếu không đủ khả năng đầu tư cho nghiên cứu, chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu… nên trong nhiều năm qua các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm hướng, chủ yếu duy trì để tồn tại. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Dương Quang, nhà nước cũng đã có không ít cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động và hiệu quả còn rất hạn chế.
Giữ vai trò quan trọng đối với công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhưng trên thực tế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn đang yếu thế, phần lớn sản phẩm quan trọng, có giá trị cao đều phải nhập khẩu.

Chính vì vậy, tại hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức, sáng 9/8 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm lối đi vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp này, góp phần đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Quá lệ thuộc vào nhập khẩu

Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu mỗi năm của Việt Nam ước tính lên tới 100 tỷ USD thì trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị chiếm khoảng 23%, tương đương trên 20 tỷ USD.

Điều này xuất phát từ yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, thậm chí đối với nhiều lĩnh vực công nghiệp then chốt, tỷ lệ nội địa hóa mới chiếm một con số rất nhỏ, từ 25%-30%.

Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải là một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp các dòng xe tải, xe khách, xe con phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, thế nhưng theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc cho hay, mục tiêu đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước đến năm 2012 phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40%-60%, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước 60%-80% và hướng tới xuất khẩu ôtô, phụ tùng thay thế...

Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu này đều không đạt được, đặc biệt đối với dòng xe con và xe chuyên dùng, tỷ lệ nội địa hóa hiện vẫn chỉ dưới 25%. Các chi tiết linh kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước, chỉ làm được một số chi tiết nhỏ như vỏ lốp, thùng xe, ắc quy...

Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong ngành cơ khí đó là cơ khí chế tạo máy, được xem là trái tim của ngành công nghiệp. Nhưng mức độ đầu tư và chính sách hỗ trợ của nhà nước dường như doanh nghiệp ngành chưa tiếp cận triệt để.

Thực tế này được ông Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) chỉ ra rằng, một lỗ hổng rất lớn ở chân móng của ngành chế tạo máy và có ảnh hưởng lâu dài đối với khả năng cạnh tranh của sản phẩm chính là khả năng cung cấp vật tư chế tạo tại chỗ.

Ông Quang đơn cử, đối với các sản phẩm thép xây dựng hiện đang được đầu tư sản xuất ồ ạt. Trong khi đó, kịch bản lập lại tương tự như ngành công nghiệp ôtô, đó là ngành thép chế tạo vẫn chưa hề có mặt tại Việt Nam khi không nhìn ra được hiệu quả của đầu tư.

"Sở dĩ ngành cơ khí chế tạo chậm phát triển là do đa phần các doanh nghiệp sử dụng máy cũ, chất lượng thấp, nguồn nhân lực cũng không cao, hơn nữa để đầu tư vào thiết bị công nghệ doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn nhưng lợi nhuận quá thấp và rủi ro cao, điều này không khuyến khích các doanh nghiệp cơ khí đầu tư," ông Quang nói.

Động lực từ cơ chế chính sách

Rõ ràng khi đối mặt với những yếu tố không thuận lợi, cả về chính sách lẫn tài chính, thì ngành cơ khí khó tìm hướng đi riêng biệt và tạo nền tảng để làm ra các sản phẩm phụ trợ đặc trưng để hỗ trợ ngược lại cho ngành. Chính vì nguồn lực yếu không đủ khả năng đầu tư cho nghiên cứu, chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu… nên trong nhiều năm qua các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm hướng, chủ yếu duy trì để tồn tại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Dương Quang, nhà nước cũng đã có không ít cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động và hiệu quả còn rất hạn chế. Nguyên nhân là trong một thời gian dài chúng ta rất lúng túng trong việc xác định phân ngành cơ khí nào là chủ lực để có hướng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đó.

Bản thân ngành cơ khí có lĩnh vực hoạt động rất rộng, từ đóng tàu đến sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng... nhưng chúng ta chưa chọn ra được một vài chủng loại sản phẩm công nghệ hỗ trợ để tập trung đầu tư phát triển.

Hơn nữa, doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần thiếu một chiến lược kinh doanh bài bản và lâu dài, chủ yếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận trước mắt, cạnh tranh với nhau bằng giá chứ chưa phải bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, không có sản phẩm chủ lực, khâu đổi mới công nghệ nhìn chung rất yếu.

Do vậy, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ hỗ trợ để đổi mới công nghệ, nhất là những sản phẩm tham gia được vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, những doanh nghiệp làm vệ tinh cung cấp phụ tùng, chi tiết cho các tập đoàn lớn.

Đặc biệt, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, đồng thời phải đảm bảo được tính ổn định lâu dài.

"Trước mắt, cần rà soát lại các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn, thuê mặt bằng sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được... trong đó xác định các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ đầu tư cũng như thị trường, đổi mới công nghệ, đào tạo...," thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp lớn trong nước liên kết, mở rộng các khu công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ cũng đang trở thành một xu hướng mới nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Theo ông Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc VEAM, cần phải xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cơ khí, từng bước tạo ra sự phân công, hợp tác sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành các liên kết dưới dạng đối tác chiến lược hoặc công ty mẹ - con giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp vệ tinh cung cấp một số loại linh kiện, chi tiết.

"Cần đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi cung ứng đối với sản phẩm của nhau, dựa trên thế mạnh truyền thống và xu hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp," Tổng giám đốc VEAM nêu ý kiến./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục