Công nghệ ADN phục vụ định danh liệt sỹ chưa xác định danh tính

Các công nghệ mới trong tương lai có thể áp dụng như SNP sử dụng NGS và microarray để tăng hiệu quả các dự án liên quan cơ sở dữ liệu gene, các công tác phục vụ việc xác định danh tính liệt sỹ...

Tổ chức quy tập hài cốt các liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Me, Bến Tre. (Ảnh: TTXVN phát)
Tổ chức quy tập hài cốt các liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Me, Bến Tre. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 29/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Công nghệ ADN phục vụ định danh liệt sỹ chưa xác định danh tính và thân nhân liệt sỹ."

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về di truyền, với nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến luật và triển khai cơ sở dữ liệu ADN pháp y.

Thông tin tại hội thảo cho thấy gần 200.000 liệt sỹ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sỹ chưa xác định được thông tin.

Thời gian qua, phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sỹ để báo tin về cho thân nhân liệt sỹ.

Đến năm 2030, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của hơn 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sỹ và thân nhân. Việc làm đầy ý nghĩa này được triển khai sâu rộng nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đã thông tin về tiền đề và dự án ngân hàng gene (ADN) của thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính tại Việt Nam hiện đang thực hiện. Đồng thời khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức thiêng liêng, cao cả, nhân văn. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức nên Cục C06 đề nghị sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực.

Hiện tại, tham gia đồng hành chương trình cùng với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để triển khai dự án trên đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kêu gọi chung tay đóng góp cùng nghiên cứu, tham gia và đề xuất các giải pháp khoa học, kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả công tác phân tích, đối khớp, tìm kiếm thông tin liệt sỹ. Tham gia xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sinh trắc học ADN, đặc biệt là các vấn đề mới, có tính chất đặc thù với người Việt Nam để làm cơ sở trong triển khai thực hiện.

Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lợi, Viện trưởng Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng), đã nêu hiện trạng giám định hài cốt liệt sỹ ở Việt Nam và một số đề xuất xây dựng ngân hàng gene thân nhân liệt sỹ. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngân hàng gene (ADN) để làm kho mẫu đối sánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và lực lượng công an triển khai thực hiện là rất thuận lợi.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã đưa ra các cơ sở khoa học và ứng dụng của các công nghệ ADN trong các dự án về gene quy mô quốc gia trên thế giới và tọa đàm thảo luận theo chủ đề: "Triển khai công nghệ ADN định danh liệt sỹ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sỹ hiệu quả, bền vững, tối ưu tại Việt Nam."

Hội thảo khẳng định việc triển khai sử dụng ADN định danh liệt sỹ theo các căn cứ pháp lý trong việc định danh liệt sỹ chưa xác định được thông tin là cần thiết, phải thực hiện ngay. Dự báo về tiềm năng công nghệ mới trong tương lai có thể áp dụng như SNP sử dụng NGS và microarray, nhằm tăng hiệu quả các dự án liên quan cơ sở dữ liệu gene, các công tác phục vụ việc xác định danh tính liệt sỹ...

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết ý kiến chuyên môn và kết luận khoa học tại hội thảo là tiền đề và cơ sở cho các hoạt động triển khai dự án về cơ sở dữ liệu gene quy mô quốc gia hiệu quả, bền vững, tối ưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục