“Công nghệ 3D” thu phục những học sinh bất hảo

"Cách nào để vực dậy những học trò mà tổng điểm thi vào lớp 10 cả hai môn văn và toán của các em mới tròn… 1 điểm?" Thầy Hiện trăn trở.
Trong ánh chiều chạng vạng, bóng học sinh cuối cùng rời khỏi sân trường đã khuất sau cánh cổng, không gian tĩnh lặng, thầy giáo Nguyễn Văn Hiện, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) ngồi lặng lẽ trong góc phòng, những nếp nhăn như xô lại trên khuôn mặt đầy khắc khổ.

Một câu hỏi cứ vang lên trong thầy: Làm cách nào để vực dậy đám học trò yếu cả về trí dục và đức dục, khi sau 9 năm miệt mài đèn sách, thi vào lớp 10, tổng điểm cả hai môn văn và toán của các em mới tròn… 1 điểm?

Những học trò cá biệt


Trường Trung học phổ thông Trung Văn mới được thành lập từ năm 2008, lại thuộc khu vực ngoại thành nên tuyển sinh rất khó khăn. Khóa đầu tiên, để thu hút được học sinh, trường phải lấy điểm chuẩn thấp tới mức, có học sinh chỉ cần tổng điểm hai môn thi văn và toán đạt… 1 điểm đã được vào học.

Theo quy định, điểm xét tuyển vào lớp 10 được tính bằng tổng điểm rèn luyện 4 năm cấp trung học cơ sở, điểm nghề, điểm thi hai môn văn và toán được nhân hệ số 2. Các em được tổng kết lực học khá, hạnh kiểm tốt được tính 4,5 điểm mỗi năm, 4 năm được 18 điểm, cộng thêm 2 điểm nghề, điểm thi cho cả hai môn văn và toán cộng lại được 1 điểm, nhân đôi là 2 điểm, tổng điểm đạt 22 điểm. Vì thế, mặc dù lấy điểm chuẩn đầu vào là 22 điểm nhưng nếu tính điểm thi của học sinh thì có em chỉ được 1 điểm cho cả hai môn văn và toán.

“Khi kiểm tra chất lượng đầu vào, chúng tôi giật mình vì có những học sinh một phép tính cộng đơn giản như 6 + x = 1 cũng không giải được, viết chữ xấu, sai chính tả và chẳng nên câu. Kiến thức của các em quá hổng,” thầy Hiện chia sẻ.

Đau đầu vì học lực học sinh quá yếu, vấn đề ý thức đạo đức của các em cũng là một bài toán khiến nhà trường lao đao khi tình trạng học sinh bỏ học, hút thuốc, đánh nhau xảy ra liên tục.

Hầu như tuần nào cũng xảy ra hiện tượng học sinh mang vũ khí vào lớp, đánh nhau ngay trong trường hoặc gọi các đối tượng xã hội khác phục sẵn ngoài cổng trường.

Không chỉ học sinh nam, học sinh nữ cũng nhiều em “bất hảo”, trong đó, tiêu biểu phải kể đến em M, học sinh lớp 10A7. Vượt rào ra vào trường học như đi chơi, M. còn mang chất gây nghiện vào trường để hút, lôi kéo các bạn và tổ chức đánh nhau, gây rối loạn trong trường.

Mặc dù đã lường trước được tình huống và chuẩn bị tinh thần, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiện vẫn không khỏi “choáng” trước chất lượng đầu vào của trường mình.

Một khảo sát của trường cũng đưa lại kết quả bất ngờ không kém là tới 90% học sinh không biết mình học để làm gì. Chính vì không có mục đích nên các em không để tâm đến việc học hành.

Lứa học sinh đầu tiên ấy của trường năm nay đã lên lớp 12. Để có thể dạy học một cách hiệu quả nhất, thầy Hiện đã quyết định sàng lọc toàn khối, đưa những học sinh yếu kém nhất tập trung vào lớp 12A6. Đây cũng là lớp tập trung nhiều học sinh cá biệt, ương bướng nhất khối.

Ai sẽ đủ can đảm để chủ nhiệm lớp học đặc biệt này là điều khiến thầy Hiện trăn trở rất nhiều. Nhưng khi vừa đặt vấn đề, thầy đã vô cùng xúc động khi thấy có rất nhiều cánh tay giáo viên giơ lên xung phong. Trong những cánh tay ấy, thầy chọn cô Trương Thị Hồng.

“Mình nhận vì tự đáy lòng, mình rất thương các em, và hy vọng mình có thể giúp các em bước tiếp trong năm học cuối cấp này. Như thế thì công việc của mình mới có ý nghĩa,” cô Hồng tâm sự.

Và "công nghệ 3D" của thầy cô


“Học sinh yếu nên các thầy cô ở đây thực sự rất vất vả, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Họ không chỉ lo dạy chữ, truyền thụ kiến thức mà trước tiên, phải rèn đức cho các em,” thầy Hiện nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, cô giáo Trương Thị Hồng “bật mí” về “công nghệ 3D” của thầy cô nơi đây để dạy học trò hư là: “dạy, dọa, dỗ”.

“Phải kết hợp ‘3 trong 1’, ứng dụng một cách linh hoạt thì mới có hiệu quả, vì nếu chỉ dạy không thì các em không nghe, còn cứ dỗ mãi thì các em lại nghĩ giáo viên sợ mình”, cô Hồng chia sẻ.

Một trong những thành công của cô Hồng là em H., là một học sinh lười, lì, cá tính mạnh. Để thu phục cậu học trò này, ngay từ ngày đầu vào lớp, cô đã đánh động tinh thần: “Đây là lớp dành cho những học sinh kém nhất, nếu em vẫn không chịu học thì không còn nơi nào cho em nữa, thầy cô cũng đành cho em ra khỏi trường.”

Dọa đấy, nhưng rồi sau đó lại phải tranh thủ lúc gặp riêng em, cô trò rủ rỉ: “Cô biết em thông minh, khả năng tiếp thu bài tốt, thậm chí hơn nhiều bạn ở các lớp khác, chỉ vì lười một chút mà phải ngồi ở lớp này thì thật phí, em có nghĩ thế không?” Bị đánh đúng vào điểm yếu là lòng tự tôn, ngay lập tức H. về nhà đòi mẹ thuê gia sư và cậu cắm cúi học đêm ngày. Hiện sức học của H. đã khá hơn rất nhiều.

Không chỉ có H., nhiều học sinh của trường đã có rất nhiều biến chuyển trong học tập, như em Tú, từ một học sinh ương bướng thành một trong 7 bạn học tốt nhất của lớp 12A6.

“Em học ở trường 3 năm, thật sự nơi đây là mái ấm vì các thầy cô quá tốt với học trò. Ban đầu, lớp em rất nhiều bạn nghỉ học nhưng bây giờ, mọi thành viên đều đi học rất đều. Chúng em biết các cô yêu thương mình, chăm lo cho mình vì mình học kém nên luôn cố gắng để cô đỡ phiền lòng,” em Nguyễn Thị Thu Anh, lớp 12A6 chia sẻ.

Cô học trò nhỏ ấy vẫn không thể quên ngày đầu, khi chân ướt chân ráo vào lớp 10, cũng như hầu hết học trò ở đây, Thu Anh biết mình học kém. Cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Liên đã gọi em đến nhà, đều đặn kèm cặp dạy thêm cho em, nấu cơm cho em ăn những buổi học cả ngày.

“Ngày 20/11, bố mẹ em mang hoa và quà đến để cảm ơn nhưng cô chỉ nhận hoa và trả lại quà. Cô nói cô dạy em vì mong em học tốt hơn, có tương lai tươi sáng hơn, chứ không phải để lấy tiền công. Em đã rất xúc động, rưng rưng nước mắt. Chúng em đều tự hứa với lòng mình phải cố gắng để đền đáp công ơn lớn lao ấy,” Thu Anh xúc động nói.

Những ngày này, cả thầy và trò trường Trung học phổ thông Trung Văn đang miệt mài để chuẩn bị cho lứa học sinh đầu tiên của trường tốt nghiệp lớp 12, cũng là lứa học sinh có điểm đầu vào thấp nhất. Lớp 12A6 được “trang bị” những giáo viên cốt cán nhất, là các tổ trưởng các tổ bộ môn với giáo án được soạn riêng để phù hợp với khả năng của các em. Phong trào “Chống lười học” được phát động trong toàn trường, tạo không khí học tập sôi nổi.

Ngoài ra, 6 lớp học tăng cường cũng được mở cho những học sinh học yếu các môn toán, văn, ngoại ngữ. Theo thầy Hiện, vì các em học yếu nên mỗi lớp chỉ 12 – 13 em để giáo viên có thể kèm cặp, quan tâm tới từng học sinh, riêng lớp toán đông nhất cũng chỉ 20 em. Trường chỉ thu mức phí mỗi em 10.000 đồng một buổi.

Tiếng lành đồn xa, từ khóa đầu chỉ tuyển được 370 học sinh với mức điểm cực thấp là 22 điểm, đến năm thứ 2, trường đã nâng điểm tuyển sinh của mình lên 28, tuyển được 510 em. Năm học 2010-2011, số học sinh nộp đơn đăng ký vào trường đã vượt 220 em so với chỉ tiêu, điểm chuẩn đầu vào của trường cũng được nâng lên một nấc mới là 34 điểm.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng điều quan trọng là các em đã ý thức được việc học là cần thiết cho tương lai của bản thân mình. Ở đây, học sinh yếu kém, nhưng chính trong hoàn cảnh đó, tôi lại thấy ấm lòng vì cả thầy và trò đều đang nỗ lực hết mình cho sự nghiệp trồng người,” thầy Hiện phấn khởi nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục