Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Yemen đang lún sâu vào bế tắc khi tổng thống và thủ tướng cùng đệ đơn từ chức, ngày 23/1, Liên hợp quốc và các cường quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên tại Yemen hợp tác, tiến hành đàm phán để tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuyên bố đêm 23/1 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên ở Yemen kiềm chế tối đa đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến mới tại đây.
Trước đó cùng ngày, tại thủ đô Sanaa của Yemen, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Yemen đã có các cuộc gặp với Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi, Thủ tướng Khaled Bahah và đại diện phiến quân Houthi nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán toàn diện, tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Thông báo của Liên hợp quốc cho biết trong các cuộc gặp, ông Jamal Benomar đã gửi một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị cùng tham gia các cuộc đàm phán toàn diện nhằm đạt được thỏa thuận đưa Yemen ra khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.
Cùng ngày, Benomar cũng gặp cộng đồng ngoại giao tại Sanaa. Trong những ngày tới, ông sẽ tiếp tục dàn xếp giữa tất cả các bên và tìm cách thảo luận với các nhóm chính trị khác nhau tại Yemen.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng tuyên bố EU ủng hộ người dân Yemen, nêu rõ người dân nước này xứng đáng với các thể chế dân chủ, tập trung đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ.
Bà Mogherini cũng kêu gọi các bên tham khảo các thỏa thuận và sáng kiến gần đây để hoàn tất tiến trình chuyển tiếp ở Yemen.
Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ ở Yemen trong bối cảnh nổi lên các lo ngại về khả năng chia rẽ Bắc-Nam tại quốc gia này.
Trong tuyên bố, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định tương lai của Yemen phụ thuộc vào người dân nước này và nêu rõ lợi ích của người dân Yemen là sự thống nhất đất nước.
Washington cũng hối thúc phiến quân Houthi tham gia vào lộ trình chuyển tiếp hòa bình tại quốc gia vùng Vịnh này.
Tổng thống Hadi và Thủ tướng Bahah đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội Yemen ngày 23/1, chỉ một ngày sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Houthi đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ thủ đô Sanaa.
Động thái này đã tạo ra một khoảng trống quyền lực và đẩy Yemen vào tình thế hết sức nguy hiểm, gây quan ngại rằng bất ổn sẽ bao trùm quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giáp người khổng lồ dầu mỏ Saudi Arabia và án ngữ tuyến vận tải biển quan trọng từ Kênh đào Suez đến vùng Vịnh.
Quốc hội Yemen ngay sau đó đã bác đơn từ chức của tổng thống đồng thời thông báo triệu tập một cuộc họp khẩn dự kiến vào ngày 25/1 tới để thảo luận về các diễn biến hiện nay./.