Ngày 11/12, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ Công giáo Coptic ở quận Abbasiya, thủ đô Cairo của Ai Cập, sáng cùng ngày, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ-trẻ em và 35 người bị thương; đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với nhân dân Ai Cập.
Một phát ngôn viên của quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini nêu rõ liên minh gửi lời chia buồn sâu sắc với các gia đình nạn nhân.
Bà khẳng định EU sẵn sàng sát cánh với Ai Cập trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Đại sứ Anh tại Cairo John Casson cũng bày tỏ sự kinh hoàng trước vụ tấn công này.
Các nước gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pháp và Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập cũng đã lên án vụ tấn công được coi là đẫm máu nhất trong nhiều năm qua tại Ai Cập.
Theo hãng tin Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/12 đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ Ai Cập trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đánh bom.
Trong một tuyên bố, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh: "Khi chủ nghĩa khủng bố hướng tới các mục tiêu là người Hồi giáo và Công giáo ở đất nước chúng ta, Ai Cập sẽ chỉ mạnh thêm và đoàn kết hơn trong mọi tình huống."
Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định sẽ không dung thứ cho những kẻ "kích động, ủng hộ và tham gia" vào vụ tấn công đẫm máu nói trên; đồng thời miêu tả vụ tấn công nhằm vào nhà thờ Công giáo Coptic sáng 11/12, xảy ra chỉ hai ngày sau vụ tấn công ở tỉnh Giza khiến 6 cảnh sát thiệt mạng, là một phần của âm mưu chống lại toàn thể nhân dân Ai Cập.
Hiện vẫn chưa có tổ chức hay nhóm nào lên tiếng nhận thực hiện vụ tấn công nói trên.
Người Công giáo, chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, đã trở thành mục tiêu của một loạt vụ tấn công khủng bố trong vài năm gần đây.
Năm 2011 cũng đã xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào một nhà thờ ở thành phố Alexandria, khiến 23 người thiệt mạng.
Kể từ sau chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi năm 2013, Ai Cập đã đối mặt với sự trỗi dậy của một nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Bắc Bán đảo Sinai.
Trong thời gian qua, chính quyền Cairo đã tăng cường các hoạt động chống khủng bố ở Sinai cũng như siết chặt an ninh trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, các phần tử khủng bố và cực đoan tiếp tục gia tăng các vụ tấn công không chỉ nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội, chúng còn chuyển hướng sang nhiều mục tiêu khác trên khắp đất nước, nhất là ở thủ đô Cairo./.