Cộng đồng quốc tế hỗ trợ Liban 10 tỷ USD khôi phục nền kinh tế

Liban đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ cho nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua tại nước láng giềng Syria.
Cộng đồng quốc tế hỗ trợ Liban 10 tỷ USD khôi phục nền kinh tế ảnh 1Công nhân xây dựng lắp đặt các đường ống dọc theo đường cao tốc sân bay ở Beirut, Liban. (Nguồn: AP)

Ngày 6/4, nhiều nước và thể chế tài chính đã cam kết cung cấp cho Liban hơn 10 tỷ USD dưới dạng vốn vay ưu đãi và tài trợ nhằm hỗ trợ quốc gia Trung Đông này thực hiện chương trình cải cách kinh tế.

Các cam kết trên được đưa ra tại Hội nghị Các nhà tài trợ quốc tế diễn ra tại Paris (Pháp), nơi Liban đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ cho nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua tại nước láng giềng Syria. Đổi lại, các nhà tài trợ cũng yêu cầu Liban cam kết tiến hành công cuộc cải cách vốn bị trì hoãn lâu nay.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Liban Ali Hassan cho biết trong số 10 tỷ USD mà Liban được hỗ trợ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết cấp khoản tín dụng 4 tỷ USD trong 5 năm và khoản nợ này sẽ được trả dần trong 20 năm.

Saudi Arabia cũng nối lại khoản viện trợ trị giá 1 tỷ USD, vốn chưa được sử dụng đến, nhằm hỗ trợ cho công cuộc phát triển Liban.

[Pháp cam kết viện trợ 550 triệu euro giúp Liban thúc đẩy kinh tế]

Ngoài ra, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, Kuwait và Pháp cũng cam kết cung cấp cho Liban lần lượt 1,35 tỷ USD, 680 triệu USD và 672 triệu USD dưới hình thức cho vay và tài trợ.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Liban Saad al-Hariri đã hoan nghênh sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của quốc gia Trung Đông này đã lao dốc xuống dưới 1%/năm từ mức trung bình 8%.

Ông nhấn mạnh quốc gia nhỏ bé này đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn cả về an ninh, kinh tế và chính trị, và những khó khăn này ngày càng chồng chất do ảnh hưởng từ cuộc nội chiến suốt nhiều năm qua tại quốc gia láng giềng Syria.

Do đó, Liban cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy kế hoạch đầu tư và thực hiện cải cách nhằm chống tham nhũng và cải thiện năng lực quản lý tài chính.

Hiện có khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống tại Liban. Ước tính, Liban cần 10 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường sá, phương tiện giao thông công cộng… Liban muốn 1/3 số tiền đó được đầu tư từ khu vực tư nhân và số còn lại từ các khoản viện trợ ưu đãi và viện trợ không hoàn lại.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ quốc tế muốn Liban phải thực hiện cải cách nhằm cắt giảm nợ công đang ở mức cao mà các nhà kinh tế cho rằng “không thể chấp nhận được.” Đáp lại yêu cầu trên, Thủ tướng Hariri đã cam kết nỗ lực củng cố năng lực tài chính để trong 5 năm tới có thể giảm được 5% mức thâm hụt ngân sách, hiện tương đương với hơn 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Không chỉ đối mặt với khó khăn kinh tế, Liban cũng phải trải qua cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Hariri hồi tháng 11 năm ngoái bất ngờ tuyên bố từ chức trong phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, với lý do "Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực" và rằng tính mạng của ông đang bị đe dọa.

Tuyên bố gây sốc của ông Hariri đã làm dấy lên quan ngại rằng Liban - quốc gia vốn chia rẽ giữa phe do ông Hariri, đồng minh của Saudi Arabia đứng đầu và phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran ủng hộ - trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.

Tổng thống Michel Aoun không chấp nhận tuyên bố từ chức của ông Hariri, cho rằng việc này trái với hiến pháp vì đơn từ chức không được trình lên tổng thống tại Liban. Ông Hariri sau đó đã hoãn từ chức và trở về nước theo đề nghị của Tổng thống Aoun.

Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Liban diễn ra ở Paris có sự tham gia của đại diện 50 quốc gia và tổ chức bao gồm Saudi Arabia, Mỹ, Nga và Qatar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục