Cộng đồng quốc tế hiện chưa sẵn sàng nới lỏng đáng kể các biện pháp trừng phạt nhằm thúc đẩy kế hoạch kết nối mạng lưới đường sắt giữa hai miền Triều Tiên, cho tới khi tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng diễn ra hoàn toàn và được kiểm chứng.
Thông tin trên do quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Marc Knapper đưa ra ngày 28/11 trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang xúc tiến các dự án hợp tác song phương, trong đó có việc khảo sát hệ thống đường sắt nhằm tiến tới hiện đại hóa và kết nối mạng lưới giao thông này giữa hai nước.
Phát biểu tại một diễn đàn về hòa bình ở Seoul, ông Knapper nhấn mạnh "một tương lai tươi sáng dành cho người dân Triều Tiên gồm nhiều khía cạnh," trong đó đặc biệt là việc giúp người dân nước này hội nhập với cộng đồng quốc tế, và hiển nhiên một phần của sự hội nhập này có thể gồm việc cải thiện kết nối đường sắt trên toàn bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Mỹ, cộng đồng quốc tế đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng những cải thiện này sẽ không xảy ra nêu thiếu những tiến triển thực sự trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Ông Knapper cho rằng việc kết nối mạng lưới đường sắt giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đòi hỏi các lệnh trừng phạt phải được nới lỏng đáng kể, trong khi cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng cho việc này cho đến khi Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa.
[LHQ miễn trừng phạt đối với dự án khảo sát đường sắt liên Triều]
Hồi tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định miễn giảm một phần các biện pháp trừng phạt cấm vận đối với Triều Tiên để tạo điều kiện cho hai miền tiến hành một cuộc khảo sát nhằm hiện đại hóa và cuối cùng tiến tới kết nối lại các tuyến đường sắt liên Triều.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những nhận định của ông Knapper đã thể hiện lập trường khá cứng rắn và cũng như sự miễn cưỡng của Mỹ khi chứng kiến những cải thiện trong quan hệ liên Triều với các dự án chung trong khi Bình Nhưỡng chưa có bước đi cụ thể trong việc phi hạt nhân hóa như cam kết.
Với việc đẩy mạnh loạt dự án hợp tác liên Triều trong nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến cam kết tránh căng thẳng quân sự và xây dựng niềm tin, Hàn Quốc cho rằng chính sách này sẽ tác động đến nỗ lực hiện nay hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đảm bảo nền hòa bình lâu dài tại khu vực này.
Quan hệ Mỹ-Triều có những dấu hiệu tích cực kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trung tuần tháng Sáu vừa qua. Hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung, theo đó Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn đổi lấy đảm bảo an ninh từ Washington.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đang rơi vào bế tắc do hai bên còn nhiều khác biệt liên quan đến quy mô phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và việc chính thức tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, năm qua, quan hệ liên Triều chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực với ba cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng nhiều thỏa thuận hợp tác song phương đáng chú ý./.