Cộng đồng phối hợp bảo vệ rừng cảnh quan Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn

Rừng đặc dụng tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn rộng 1.092ha, hiện có 37 loài động vật, trong đó có 4 loài quý hiếm như culi lớn, tê tê java, mèo rừng, cầy hương; 238 loài thực vật.
Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Sáng 20/6, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) Nguyễn Công Khiết cho biết đơn vị đã hoàn thiện ký kết và triển khai việc phối hợp với cộng đồng xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn trong công tác bảo vệ rừng cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Cụ thể, từ mùa khô năm nay, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn và cộng đồng xã Sơn Viên sẽ tăng cường phối hợp kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, phát huy tính chủ động về trách nhiệm của mỗi cơ quan nhằm ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật và tham gia có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, rừng đặc dụng tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn được quy định theo Quyết định 1976/QĐ-CP ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ và được tỉnh Quảng Nam công nhận là rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, có diện tích hơn 1.092ha.

Trong rừng hiện có 37 loài động vật, trong đó có 4 loài quý hiếm như culi lớn, tê tê java, mèo rừng và cầy hương; thực vật có 238 loài, 168 chi, 82 họ với nhiều loại quý hiếm.

Để bảo vệ rừng, việc trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, chính quyền địa phương và cộng đồng thực hiện thường xuyên thông qua các hình thức trao đổi bằng văn bản, trực tiếp qua điện thoại, tin nhắn SMS, Zalo công vụ hoặc thông qua cuộc họp giao ban, đột xuất, qua đầu mối cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý và cán bộ lâm nghiệp xã nhằm giúp cơ quan có liên quan, cộng đồng vùng giáp ranh triển khai công tác chữa cháy rừng một cách kịp thời, hiệu quả.

Để công tác quản lý bảo vệ rừng cảnh quan đạt hiệu quả, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn thành lập đội xung kích bảo vệ rừng nhằm phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Sơn Viên, cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, săn, bẫy bắt động vật rừng, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa rừng cảnh quan và xã Sơn Viên.

Đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để theo dõi nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phận quản lý.

Các hoạt động sử dụng rừng cảnh quan vào mục đích kinh doanh dịch vụ du lịch phải theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Du lịch năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục