“Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, phát huy Di sản Văn hóa Phi vật thể”

Theo các chuyên gia, cộng đồng - chủ thể di sản cần phải được tham gia vào quá trình thực hành, truyền dạy Di sản Văn hoá Phi vật thể đồng thời được hưởng lợi từ di sản.
Nghi lễ kéo co ngồi tại Đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

Vai trò của cộng đồng cần phải được đề cao hơn nữa trong quá trình bảo vệ và đưa di sản ra khỏi tình trạng khẩn cấp.

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia trong Hội thảo “20 năm bảo vệ Di sản Văn hoá Phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể ra đời đã 20 năm nhưng vẫn nguyên giá trị thực tiễn.

Ông Trụ đánh giá đây là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về Di sản Văn hoá Phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ Di sản Văn hoá Phi vật thể.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đó, Công ước 2003 đã khẳng định: “Các cộng đồng và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh Di sản Văn hoá Phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.”

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng Công ước 2003 ra đời sau Công ước 1972 (về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới) hơn 30 năm nhưng tốc độ phát triển và ảnh hưởng của Công ước 2003 rất nhanh, rất lớn bởi vì Công ước này tập trung vào “living heritage” (di sản sống), đề cập đến những vấn đề liên quan đến cộng đồng và sự tôn trọng đối với các chủ thể văn hóa.

Bà Lý cho rằng việc đề cao vai trò của cộng đồng cần được luật hóa, chẳng hạn, nghị định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hoá Phi vật thể cần thêm điều khoản xét các trường hợp các nghệ nhân trẻ tuổi có tài năng xuất sắc.

“Đối tượng này cần khuyến khích bởi vì họ có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát triển bền vững. Đối với các nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian (chữa bệnh) cần có quy định cụ thể để không chồng chéo với việc xét tặng của Bộ Công thương và Bộ Y tế,” bà Lý nêu quan điểm.

Ngoài ra, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cho rằng cần có thêm điều khoản về việc hủy hoặc rút lại các danh hiệu trong trường hợp các cá nhân vi phạm các luật khác và Luật Di sản Văn hóa đồng thời bổ sung hình thức khen thưởng cho những người có thành tích lớn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Phi vật thể; tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Phi vật thể cũng như quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Phi vật thể.

Bên cạnh đó, cộng đồng phải được lợi từ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Phi vật thể.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+_

Chia sẻ giải pháp cụ thể, ông Bùi Hoài Sơn đề xuất gắn các sinh hoạt văn hóa cổ truyền với các di tích, trong đó người dân địa phương phải chủ động tham gia.

“Đối với lễ hội truyền thống, khi người dân sẽ giữ gìn mà không cần bất cứ sự vận động, hỗ trợ nào của chính quyền. Chính vì không có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước trong công việc tổ chức lễ hội mà lễ hội sẽ không tạo ra không khí ‘giả tạo’ cho du khách,” ông Bùi Hoài Sơn nêu ví dụ.

Không can thiệp sâu vào sinh hoạt văn hóa của người dân, song, theo ông Bùi Hoài Sơn, chính quyền địa phương cần tạo những hành lang về chính sách cho việc phát huy các giá trị Di sản Văn hoá Phi vật thể.

“Trong những giai đoạn ban đầu, chính quyền cần có những văn bản chính sách khuyến khích người dân tham gia vào các công việc giữ gìn di sản của chính họ, chỉ ra những lợi ích của việc tham gia đó, cũng như có những định hướng cụ thể để người dân dễ dàng tham gia như xây dựng những sinh hoạt thí điểm, mẫu cho những phục dựng các sinh hoạt về sau,” ông Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục