Cộng đồng người Việt Nam tại Algeria vui đón Xuân Ất Mùi

Hòa cùng không khí đón Xuân với đồng bào trong nước, tối 12/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt Nam tại Algeria.
 Cộng đồng người Việt tại Algeria. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Alger, hòa cùng không khí đón Xuân với đồng bào trong nước, tối 12/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt Nam tại Algeria.

Đến dự có toàn thể cán bộ Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng đông đảo bà con Việt kiều, lao động, học sinh đang sinh sống, làm việc và học tập tại Algeria.

Trong bầu không khí ấm tình quê hương, hướng về cội nguồn, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp đã điểm lại những thành tích to lớn về mọi mặt mà đất nước đã đạt được trong năm 2014 như ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, nhịp độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013, đạt 5,98%, kim ngạnh thương đạt gần 300 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm trước (trong đó xuất khẩu đạt 150 tỷ USD), thu hút được 20 tỷ USD FDI, đón gần 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Đại sứ đồng thời nhấn mạnh năm 2015 là một năm có ý nghĩa, với nhiều ngày kỷ niệm lớn, trong đó nổi bật bật là lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Đây cũng là năm Việt Nam cùng các nước trong Đông Nam Á thành lập Cộng đồng ASEAN.

Đại sứ Vũ Thế Hiệp cũng đã nêu bật những bước phát triển trong quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu giữa Việt Nam và Algeria. Trong năm 2014 kim ngạch trao đổi thương mại hai nước đạt gần 365 triệu USD, so với 283 triệu USD năm 2013.

Hoạt động của Sứ quán và cộng đồng người Việt Nam ở Algeria trong năm qua cũng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng hoan nghênh, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta và Algeria.

Nhân dịp năm mới, Đại sứ Vũ Thế Hiệp đã gửi tới tới các vị khách và cộng đồng người Việt lời chúc một năm mới tràn đầy nghị lực, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và may mắn. Đại sứ mong muốn bà con cộng đồng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, làm ăn phát đạt, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân đối với chính quyền sở tại, là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Algeria.

Dù đã nhiều năm xa quê không được về đón Tết nhưng những hình ảnh về không khí chuẩn bị Tết vẫn in đậm trong tâm trí những bà con Việt kiều đang sinh sống tại Algeria. Bác Nguyễn Thị Đông, 76 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Oran, là một trong số những người như vậy.

Sang quê chồng từ năm 1967, bác Đông nhớ lại: "Tết đến, tôi nhớ và thèm cảm giác được gói bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng và nghe tiếng giã giò cộc cộc." Bác cho biết mỗi lần Tết đến, bác đều phải cố kìm nén cảm xúc nhớ quê hương da diết và làm những món ăn truyền thống của Việt Nam như nem, phở, miến gà hay nấu xôi gấc để cả nhà cùng được thưởng thức hương vị quê hương. Bác có 8 người con và tất cả đều rất thích được ăn những món ăn dân tộc do chính tay bác làm ra.

Bác nói đó là một cách để nhớ về quê hương, tổ tiên và để lưu giữ truyền thống dân tộc cho con cháu. Bác cho biết đã được Về Việt Nam 6 lần. Mỗi lần về là lại thấy đất nước mình thay đổi và phát triển hơn. Đó là nhờ công ơn của Đảng, chính phủ.

Trong thời điểm Tết đang đến gần, bác Đông mong muốn đất nước mình ngày một phát triển hơn, to hơn, đẹp hơn, mong muốn Đản và chính phủ quan tâm hơn nữa tới kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài.

Với những người sinh ra và lớn lên tại Algeria nhưng chưa một lần có cơ hội được về Việt Nam, họ chỉ biết đến Tết qua lời kể của bà họ và mẹ họ, hay qua sách báo, Internet. Tuy nhiên, họ cũng rất yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đó là trường hợp của chị Khrazini Zoulikha, thế hệ Việt kiều thứ hai tại Algeria, hiện sống ở thành phố Oran. Chị Zoulikha cho biết chị rất thích Tết Việt Nam và năm nào chị cũng đến Sứ quán Việt Nam để đón Tết cộng đồng. Chị Zoulikha tâm sự: "Tôi không biết nhiều tiếng Việt, cũng chưa bao giờ được về Việt Nam. Tôi chỉ biết về Việt Nam, về Tết cổ truyền qua lời kể của người mẹ của tôi. Tôi rất muốn được về thăm Việt Nam được hưởng không khí Xuân ở quê mẹ nếu có cơ hội."

Chị Zoulikha cho biết trước đây khi còn sống, mẹ chị thường dạy chị làm những món ăn truyền thống trong những ngày Tết. Mỗi lần Tết đến, cả gia đình lại được mẹ nấu cho những món ăn như nem, phở bò hay nấu xôi. Và bây giờ, khi mẹ không còn nữa, chị là người duy nhất trong gia đình có thể làm được những món ăn trên.

Hay như em Ezzarami Zhoura, 16 tuổi, thế hệ Việt kiều thứ 3 tại Algeria, cho biết em được bà ngoại của mình kể cho nghe rất nhiều điều thú vị về Tết cổ truyền của Việt Nam, về những món ăn trong những ngày Tết. Em cho biết đây là lần thứ 3 được đón Tết cộng đồng tại Sứ quán Việt Nam tại Algeria. Em rất vui vì được đón Tết trong một khung cảnh đầm ấm như thế này và lại còn được thưởng thức những món ăn ngon như xôi gấc, chả cá hay nem. Em tâm sự: " Sau này, lớn lên khi có điều kiện, cháu sẽ nhất định về thăm quê ngoại nhất là vào mùa Xuân."

Bác Phạm Đỗ Nhật Quang, 73 tuổi, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Algeria, hiện sống tại tỉnh Anaba, đã gắn bó với đất nước Algeria từ năm 1987. Bác Quang sống một mình tại Algeria, còn vợ và hai con sinh sống tại Hà Nội.

Bác được cử sang đây làm chuyên gia trong ngành cơ khí và sau đó quyết định chọn nơi đây làm nơi lập nghiệp. Bác tâm sự: "Năm nào tôi cũng về Việt Nam thăm gia đình. Nhưng dù đón Tết tại Hà Nội hay Algeria, thì tôi đều cảm thấy một điều gì đó nao nao khó tả mà chắc là chỉ có những người xa quê hương mới cảm nhận được." Bước vào năm mới 2015, bác Quang mong muốn đất nước sẽ ngày một phát triển hơn, bứt phá nhanh hơn.

Là một người rất trăn trở với công tác cộng đồng, bác Quang cho biết số lượng Việt kiều tại Algeria hiện không nhiều. Thế hệ Việt kiều thứ nhất không còn nhiều, thế hệ Việt kiều thứ hai và thứ ba có rất ít người nói được tiếng Việt, đồng thời lại sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành của Algeria.

Hiện ban liên lạc đang nỗ lực thống kê xem có bao nhiêu người thuộc thế hệ thứ hai và ba, và có bao nhiều người có khả năng nói được tiếng Việt. Bác Quang cho biết, dù không phải là một cộng đồng lớn, nhưng họ vẫn luôn đoàn kết với nhau, gắn bó với nhau, luôn hướng về quê hương đất nước, và luôn mong muốn Tổ quốc Việt Nam văn minh và giàu đẹp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục