Theo thống kê sơ bộ, số lượng người Việt đang sinh sống, lập nghiệp tại tỉnh Houaphanh của Lào lên đến hơn 1.000 người, trong đó chủ yếu ở huyện biên giới Sop Bao.
Người Việt sống tập trung thành một cộng đồng đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, tuân thủ pháp luật nước sở tại, được người dân địa phương yêu mến.
Đã là người Việt thì dù bất kể ở đâu vẫn mang trong mình đức tính chịu thương chịu khó, ý thức giữ gìn truyền thống đạo đức, nhân ái và dạy bảo con cháu noi theo. Nhiều gia đình người Việt đã sinh sống tại Lào 2-3 thế hệ song vẫn duy trì nếp sống, phong tục tập quán như ở quê nhà.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Lợi quê gốc Mộc Châu, tỉnh Sơn La định cư ở huyện Sop Bao từ gần chục năm nay. Anh chị mở một quán ăn ngay mặt đường ở trung tâm huyện. Quán tên “Cơm phở Vinh Lợi” lúc nào cùng rộn ràng tiếng Việt, tiếng Lào.
[Mường Lát: Điểm sáng biên cương Việt-Lào bình yên, hữu nghị]
Trong lúc anh Vinh sắp xếp bàn ghế cho khách, chị Lợi nhanh chóng cho nốt mẻ thịt nướng được tẩm ướp sẵn lên bếp than, mùi mỡ lợn chảy xuống than hồng bay ra thơm phức cả một góc đường. Trong nhà thực khách chộn rộn tiếng cười nói, chúc tụng nhau.
Trước đây, gia đình anh chị khó khăn quá phải bán hết gia sản. Nghe mọi người mách bảo, hai vợ chồng bàn bạc mang cả gia đình sang đây gây dựng lại cơ nghiệp. Anh em hàng xóm đồng hương, cùng người dân và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình anh chị yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Lúc bước chân sang Sop Bao, vốn giắt lưng chỉ vẻn vẹn 20 triệu đồng còn giờ đây anh chị đã có của ăn của để, mua được cả xe ôtô.
Ngôi nhà khang trang, thoáng mát gần gũi và ấm cúng với bàn thờ gia tiên thường xuyên nghi ngút khói hương. Anh bảo mỗi khi đi đâu, làm gì hay mọi tuần tiết, anh chị đều thắp hương tưởng nhớ và cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho mọi người trong gia đình.
Hàng xóm sát dậu của anh Vinh cũng là một gia đình người Việt. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Ve, quê gốc Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sang Sop Bao định cư và làm ăn cũng từ hơn chục năm nay. Anh Ve mở một tiệm sửa chữa xe máy, buôn bán đồ phụ tùng, cơ khí. Không những tự mình ổn định cuộc sống, cơ sở của anh Ve còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Ghé qua một cửa hàng tạp hóa ven đường để mua quà lưu niệm, cô chủ tiệm đon đả đón chào và chúc tết khách bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới biết chị tên là Nguyễn Thị Hoa, quê gốc ở Thanh Hóa, cùng chồng con qua đây định cư được gần 5 năm và đã có một cháu nhỏ hơn 4 tuổi.
Chị Hoa cho biết người Việt ở đây thường xuyên gặp mặt để trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ nhau trong công việc. Người sang trước giới thiệu công việc cho người mới sang hay mỗi khi có người thân từ nhà sang thì mọi người thường đến hỏi han về tình hình quê nhà.
Trên đường trở lại Mường Lát, đoàn chúng tôi tình cờ nghỉ chân ở một gia đình Việt-Lào gần cặp cửa khẩu Som Vang - Tén Tằn. Chị vợ là Vy Thị Ui người dân tộc Thái, kết hôn với anh Sai Kham, người Lào.
Chị theo anh sang đây sinh sống từ gần 20 năm nay. Ba đứa con lần lượt ra đời, đứa theo họ mẹ, đứa theo họ cha, như chị nói đó là sự gửi gắm của cha mẹ để các con mãi nhớ về quê hương, bản quán. Gia đình anh chị trước đây thuộc diện nghèo nhất xã.
Còn giờ đây, căn nhà kiên cố, vững chắc được các chiến sỹ bộ đội biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát hỗ trợ xây tặng đầy đủ các thiết bị đắt tiền như quạt máy, tivi, tủ lạnh...
Sau giờ ăn tối, đám trẻ con lăng xăng phụ giúp dọn dẹp. Anh Sai Khăm xem tivi bên ấm trà còn chị Ui tranh thủ ngồi vào khung cửi, dệt nốt tấm vải đang dang dở. Hình ảnh chị Ui bên khung cửi được mang từ Việt Nam sang gợi nhiều liên tưởng cho các vị khách. Đối với đồng bào dân tộc Thái ở Việt Nam thì thêu thùa, dệt vải là tiêu chuẩn mà mỗi người con gái phải đạt được: "Nhinh hụ dệt phải, trai hụ san he," có nghĩa là "gái biết làm vải, trai biết đan chài."
Chị bảo dù ở đâu thì vẫn là con em đất Việt, vẫn dậy cho con gái dệt vải, thêu thùa, để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Giờ cuộc sống đã ổn định, Lào là quê hương thứ hai của chị. Thỉnh thoảng, chị lại cùng gia đình về thăm quê ngoại bên kia bên giới. Nghe chị kể chuyện, tay vừa thoăn thoắt đưa thoi, chân giậm nhịp nhàng chúng tôi thấy niềm hạnh phúc ngập tràn.
Người Việt ở Sop Bao ai cũng cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn, dậy dỗ con cái, có tinh thần gắn bó với cộng đồng, hàng xóm. Trong các dịp lễ tết, sự kiện đặc biệt, các gia đình Việt đều tham gia chung vui với cộng đồng địa phương.
Ngược lại, những ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam thì cộng đồng người Việt cũng mời bạn bè, hàng xóm người Lào sang chung vui. Mỗi khi có việc hiếu hỉ hay khó khăn hoạn nạn, người Việt và người Lào đều chia sẻ đùm bọc lẫn nhau. Trong những dịp như vậy, khó có thể nhận ra đâu là người Lào, người Việt vì tất cả đã hòa chung thành một cộng đồng tương thân, tương ái, tin cậy, quý mến và có trách nhiệm cùng nhau.
Ông Vong Phep, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Sop Bao, cho biết các gia đình người Việt trên địa bàn đều tuân thủ nghiêm túc pháp luật của nước sở tại, được chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất để hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp lâu dài.
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng với truyền thống tự lực, tự cường và ý chí vươn lên, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền và nhân dân địa phương, bà con người Việt trên Xứ sở triệu voi nói chung và ở huyện Sop Bao, tỉnh Houaphanh nói riêng đều vững niềm tin vào tương lai tươi sáng, luôn phấn đấu để trở thành gương sáng để các thế hệ sau noi theo và là cầu nối để gìn giữ, phát huy tình hữu nghị Việt-Lào.
Có mặt tại nơi này, có thể cảm nhận sâu sắc rằng quan hệ hữu nghị Việt-Lào không chỉ là chính sách vĩ mô, chiến lược của hai Đảng, hai Nhà nước mà đã thể hiện sinh động, cụ thể trong suy nghĩ và đời sống của mỗi người dân hai nước. Đấy là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa cộng đồng nhân dân hai nước, cùng chung tay, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương, góp phần thiết thực làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào./.