Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ngày 22/8 vừa ra mắt phim ngắn truyền thông mới nhất kêu gọi cộng đồng chung tay chấm dứt nạn thảm sát tê giác ở châu Phi, với chủ đề “Cộng đồng mạng ‘quay lưng’ với việc sử dụng sừng tê giác.”
Nội dung phim chia sẻ câu chuyện về một doanh nhân trẻ thành đạt và được đông đảo lượng fan trên mạng xã hội mến mộ. Tuy nhiên, khi một quảng cáo bắt mắt hiện trên màn hình với tiêu đề “Bạn có thích sử dụng sừng tê giác không?”, anh đã lựa chọn “thích” vì nghĩ rằng nó rất “thời thượng.” Ngay lập tức, lượng người theo dõi anh ta sụt giảm nhanh chóng đến khi không còn một ai.
Không còn được mến mộ, vị doanh nhân trẻ trở nên suy sụp, cô đơn và đau đớn nhận ra rằng xã hội ngày nay đã không còn ủng hộ việc sử dụng sừng tê giác.
Thông tin từ ENV cho biết, Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Trong nhiều năm qua, một số ít người vẫn mù quáng tin vào công dụng chữa bách bệnh của sừng tê giác.
Cùng với đó, kinh tế phát triển cũng kéo theo sự gia tăng số lượng những người sử dụng sừng tê giác như một cách thể hiện đẳng cấp hay là món quà xa xỉ để tăng cường các mối quan hệ làm ăn. Những cái nhìn lệch lạc này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam.
["Trùm" buôn lậu sừng tê giác có nguy cơ đối mặt với bản án cao hơn]
Trước đó, vào năm 2010, cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị sát hại để lấy sừng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trong nước vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây ra nạn thảm sát tê giác tại châu Phi. Nó cũng kích thích tình trạng săn bắn, buôn bán sừng tê giác của nhiều mạng lưới tội phạm hoạt động.
Riêng năm 2017, có 1.028 cá thể tê giác đã bị sát hại tại Nam Phi để lấy sừng. Mặc dù con số này đã giảm 26 cá thể so với năm 2016, nhưng cao hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Điều đó đồng nghĩa trung bình mỗi ngày có 3 cá thể tê giác bị giết hại, báo động sự suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể tê giác tại quốc gia này.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nếu tình trạng săn bắn trái phép tiếp tục gia tăng như hiện nay, tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2026.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV bày tỏ quan ngại: “Liệu chúng ta có nên cảm thấy tự hào khi sử dụng sừng tê giác nếu biết chính suy nghĩ này đang đẩy một loài sinh vật kì diệu đến bờ vực tuyệt chủng và làm giàu cho những kẻ kiếm lời bất chính từ việc phá hủy đa dạng sinh học của chính chúng ta?”
Trước thực trạng nêu trên, ENV kêu gọi cộng đồng không sử dụng sừng tê giác; lan tỏa thông điệp bảo vệ tê giác đến những người xung quanh; xóa bỏ những quan niệm mù quáng về việc sừng tê giác là thần dược hay một món quà xa xỉ.
Ngoài ra, ENV cũng kêu gọi người dân thông báo các vi phạm liên quan đến việc buôn bán sừng tê giác đến cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng 1800-1522 của ENV để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm./.