Thượng viện Thái Lan ngày 18/6 đã thông qua lần xem xét cuối cùng về luật bình đẳng hôn nhân, mở đường cho nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng giới.
Sau hơn hai thập kỷ, Thượng viện Thái Lan đã phê chuẩn điều chỉnh về luật hôn nhân với 130 phiếu ủng hộ trên tổng số 152 thành viên tham dự.
Luật này sẽ được trình lên Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn để xin phê duyệt, một thủ tục được nhiều người mong đợi sẽ được chấp thuận. Luật mới sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được công bố trên công báo hoàng gia, nghĩa là đám cưới đồng giới đầu tiên tại Thái Lan có thể diễn ra vào cuối năm nay.
Dự luật mới quy định hôn nhân là sự tác hợp giữa hai cá nhân và thay đổi các thuật ngữ liên quan đến “đàn ông”, “phụ nữ”, “chồng” và “vợ” thành các thuật ngữ trung lập về giới tính.
Luật mới cũng sẽ cho phép trao quyền thừa kế, nhận con nuôi và điều trị y tế cho các cặp LGBTQ (những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới hoặc đang tìm kiếm xu hướng tính dục của bản thân) bình đẳng với những người trong các cuộc hôn nhân khác giới.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Group cho biết khoảng 9% trên tổng số 71 triệu người dân Thái Lan xác định họ thuộc cộng đồng LGBTQ.
Trái với nhiều quốc gia châu Á khác, Thái Lan từ lâu đã cho phép tổ chức các lễ kỷ niệm đồng giới cũng như tổ chức các cuộc thi sắc đẹp chuyển giới quốc tế và là nơi dẫn đầu thế giới về phẫu thuật chuyển giới.
Năm 2015, nước này đã thông qua Đạo luật Bình đẳng giới, nhằm bảo vệ tất cả mọi người khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính.
Trong khi Thái Lan được biết đến với nền văn hóa LGBTQ cởi mở nhất ở khu vực, các nhà hoạt động đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để chống lại các quan điểm bảo thủ về vấn đề chuyển giới.
Nhiều người Thái Lan chỉ trích luật pháp không công nhận người chuyển giới và người phi nhị giới (không xác định bản thân là nam hay nữ) khi những người này vẫn không được phép thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân chính thức.
Điều đó có nghĩa là chỉ những người cùng giới tính được công nhận là cha hoặc mẹ mới được phép kết hôn, bởi vì đây là dự luật về hôn nhân đồng giới, không phải là dự luật bình đẳng hôn nhân thực sự.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì quyền xã hội cho tất cả mọi người bất kể địa vị của họ.”
Những người ủng hộ LGBT gọi động thái này là một "bước tiến lớn" vì Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ban hành luật bình đẳng hôn nhân và là quốc gia thứ ba ở châu Á, sau Nepal và vùng lãnh thổ Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Nghị sỹ Plaifah Kyoka Shodladd, thành viên ủy ban quốc hội về hôn nhân đồng giới, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào đã làm nên lịch sử. Hôm nay tình yêu đã chiến thắng định kiến… sau hơn 20 năm đấu tranh, hôm nay chúng ta có thể nói rằng đất nước này đã có hôn nhân bình đẳng.”
Sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật này, một số nhà lập pháp và nhà hoạt động xã hội đã tổ chức ăn mừng tại tòa nhà quốc hội Thái Lan, vẫy cờ cầu vồng (biểu tượng của cộng đồng LGBT) và giơ nắm đấm để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBT.
Thái Lan, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở châu Á, vốn nổi tiếng với nền văn hóa LGBT sôi động.
Vào đầu tháng 6, hàng nghìn người, trong đó có Thủ tướng Srettha, đã mặc áo cầu vồng và diễu hành trên đường phố Bangkok để kỷ niệm Tháng Tự hào.
Năm 2020, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết luật hôn nhân hiện hành, vốn chỉ công nhận các cặp đôi khác giới, là hợp hiến. Nhưng Tòa cũng khuyến nghị nên mở rộng luật để đảm bảo quyền của người thiểu số.
Vào tháng 12, Quốc hội đã thông qua buổi đọc đầu tiên của bốn dự thảo luật về hôn nhân đồng giới và giao nhiệm vụ cho một ủy ban hợp nhất chúng thành một dự thảo luật duy nhất./.