Theo Straits Times ngày 15/3, các chuyên gia dự báo thị trường bảo hiểm trong khu vực sẽ có sự tăng trưởng nhanh chóng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào cuối năm nay.
Tiến sỹ Roger Sellek, Giám đốc điều hành của Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế AM Best Asia Pacific, nhấn mạnh rằng nhiều công ty bảo hiểm đang lên kế hoạch để có thể mở rộng hoạt động vượt ra ngoài biên giới quốc gia một khi AEC hình thành.
Trong bối cảnh đó, xếp hạng tín dụng quốc tế sẽ được coi là "giấy thông hành vào các thị trường lân cận" cho 110 công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm có trụ sở đặt tại Singapore.
Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường bảo hiểm Singapore, các chuyên gia của AM Best Asia Pacific cũng nhận định thị trường bảo hiểm cá nhân sẽ bùng nổ tại Thái Lan, và một vài năm sau đó là Indonesia.
Hiện tại, Singapore là quốc gia có thị trường bảo hiểm lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, với doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đạt 31 tỷ SGD (gần 23 tỷ USD) trong năm 2013.
Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính các doanh nghiệp bảo hiểm của Singapore vẫn phải cần khoảng một thập kỷ hoặc lâu hơn để xây dựng năng lực cạnh tranh "trước khi cuộc chơi thực sự bắt đầu."
Để đón đầu việc mở cửa thị trường này, nhiều công ty bảo hiểm lớn có trụ sở tại Singapore đã đã ký thỏa thuận để bán các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới ngân hàng (Bancassurance). Cụ thể, mới đây Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife đã ký một hợp đồng độc quyền trị giá 1,64 tỷ SGD (1,2 tỷ USD) với ngân hàng của Singapore DBS để bán các sản phẩm bảo hiểm cho các khách hàng của ngân hàng này tại Đảo quốc Sư tử, Hong Kong, Trung Quốc và Indonesia.
Trong một diễn biến trước đó, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential cũng ký một thỏa thuận tương tự với ngân hàng Standard Chartered tại chín thị trường châu Á trị giá 1,7 tỷ SGD (1,25 tỷ USD). Năm 2013, AIA cũng chi 800 triệu USD để thực hiện một hợp đồng bán bảo hiểm kéo dài 15 năm với Citibank tại 11 thị trường châu Á…
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhiều chuyên gia dự báo một làn sóng nhỏ hơn cũng sẽ diễn ra, đó là việc các ngân hàng sẽ bắt tay bán bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
"Đây là thời điểm thích hợp. Lợi nhuận được kỳ vọng tạo ra là rất hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm bởi họ biết rằng thông qua các ngân hàng, họ không chỉ tiếp cận được mạng lưới khách hàng tại nước sở tại, mà là cả khu vực ASEAN,” chuyên gia của AM Best Asia Pacific nhấn mạnh./.