Ngày 5/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ IV năm 2024.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự Đại hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố và 250 đại biểu chính thức cũng tham dự.
Trình bày Báo cáo chính trị tại đại hội, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thành phố Hà Nội đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập, phát triển,” Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thủ đô. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của thành phố trong việc chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết thêm đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố với trên 107.847 người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số.
Thời gian qua, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 10%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thực hiện hiệu quả.
Đại hội đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029: Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội.
Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85% và 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%.
Tại Đại hội, các tập thể, cá nhân tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp chia sẻ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I năm 2021-2025; Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng chia sẻ kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Đại hội diễn ra trong thời điểm rất ý nghĩa khi hành phố đang nỗ lực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra.
Nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc.
Trong đó, xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của thành phố.
Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị Ban Dân tộc thành phố chủ trì tham mưu rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố, trong đó lưu ý cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024; đồng bào các dân tộc tiếp tục giữ gìn tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Hà Nội thời gian qua, gợi mở một số nhiệm vụ thời gian tới.
Ông đề nghị, các cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sinh kế mới cho người dân.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có giải pháp thiết thực đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, cần quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, đa dạng, phong phú thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.
Dịp này, một số tập thể, cá nhân vinh dự nhận Kỷ niệm chương và Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc thành phố do có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của thành phố./.
Hà Nội tích cực chăm lo mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 5 huyện gồm Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ với trên 55.000 người, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.