Cộng đồng ASEAN: 45 năm hợp tác và phát triển

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền có bài viết về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội của ASEAN.
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967-8/8/2012), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có bài viết về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội của ASEAN.

Vietnam+ trân trọng giới thiệu bài viết này.

Những thành tựu hợp tác về Văn hóa-Xã hội của ASEAN

Trong Tuyên bố ASEAN ngay từ khi ra đời (năm 1967), các nước thành viên đã thống nhất mục tiêu quan trọng: Hướng tới "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực" và thúc đẩy hợp tác tích cực, hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, và quản lý hành chính nhà nước."

Mục tiêu cơ bản của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung, xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Nhằm thực hiện được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 tổ chức ngày 1/3/2009 tại Thái Lan. Kể từ đó đến nay, ASEAN đã có nhiều nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa-Xã hội nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng thịnh vượng về kinh tế, đa dạng về văn hóa, ổn định về xã hội. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hoạt động chung của ASEAN trong 45 năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên hướng tới phát triển bền vững trong một Cộng đồng ASEAN hài hòa, hướng tới con người.

Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng thể hiện các khía cạnh liên quan đến con người trong hợp tác ASEAN, thúc đẩy các cam kết của ASEAN nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hành động cụ thể và hiệu quả, lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội, hướng đến các lĩnh vực trọng tâm: phát triển con người; phúc lợi và bảo hiểm xã hội; các quyền và bình đẳng xã hội; đảm bảo môi trường bền vững; tạo dựng bản sắc ASEAN; và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Trong thời gian qua, hoạt động trong các lĩnh vực thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã đạt được kết quả đáng chú ý. Các hoạt động trọng tâm của ASEAN hướng vào tăng cường tiến bộ và ưu tiên trong giáo dục, trao đổi sinh viên và học sinh và các chương trình học bổng dành cho ASEAN, các chương trình giao lưu và thúc đẩy phát triển các nhà lãnh đạo trẻ trong ASEAN...; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy việc làm bền vững nhằm tăng cường kỹ năng cho người lao động, tổ chức các cuộc thi tay nghề trong ASEAN; thúc đẩy việc làm bền vững và tăng cường kỹ năng kinh doanh cho nhóm yếu thế và nâng cao năng lực dịch vụ dân sự. Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực trong phục hồi kinh tế và phát triển được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 10/2010 tại Hà Nội trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã khẳng định quyết tâm của ASEAN nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho người dân ASEAN, xây dựng một nguồn nhân lực ASEAN cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

ASEAN đã xây dựng và thực hiện lộ trình ASEAN nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giữa các cơ quan liên quan. ASEAN cũng đang nỗ lực xây dựng và phát triển lưới an sinh xã hội và bảo trợ xã hội, giúp người dân tránh được phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa và hội nhập; tăng cường an ninh lương thực và an toàn với việc thông qua Khung An ninh Lương thực Hợp nhất ASEAN năm 2009, Kế hoạch tăng cường An ninh Lương thực II năm 2011 và Khung Chiến lược ASEAN và Phát triển Y tế 2011-2015; hướng tới một ASEAN không có ma túy trong đó Kế hoạch công tác của ASEAN chống lại việc sản xuất, buôn bán và sử dụng chất ma tuý giai đoạn 2009-2015 …

Trong bối cảnh ASEAN là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, ASEAN cũng nỗ lực trong việc giúp các quốc gia nâng cao năng lực thích ứng trước những thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn hơn. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (ADDMER) đã có hiệu lực vào tháng 12 năm 2009. Các nước đã xây dựng Chương trình Công tác của ADDMER giai đoạn 2010-2012 để thực hiện các nội dung trong ADDMER, bao gồm cả việc thành lập Trung tâm Điều phối Hỗ trợ nhân đạo về quản lý thiên tai ASEAN (Trung tâm AHA) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 tại Indonesia. Theo trong đó, mỗi năm các nước sẽ đóng góp ít nhất 30.000 đô la Mỹ để phục vụ cho việc vận hành Trung tâm này. ASEAN cũng đã khởi động Mạng dữ liệu trên mạng về thiên tai khu vực Đông Nam Á vào năm 2007 và Bản đồ thiên tai Đông Nam Á trên mạng.

ASEAN cam kết thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và lao động di cư. Điều này nhằm bảo vệ lợi ích và quyền cũng như tạo cơ hội đồng đều, nâng cao chất lượng cuộc sống và điều kiện sống cho phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, và người khuyết tật. Các biện pháp thực hiện của chương trình này bao gồm: thành lập Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em; Thiết lập mạng lưới ASEAN về ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Thực hiện chương trình về bảo vệ, phát triển và nuôi dưỡng trẻ em phù hợp với Công ước về Quyền Trẻ em; Thiết lập mạng lưới những người làm công tác xã hội ASEAN vào năm 2013; Tổ chức các chương trình xây dựng năng lực khu vực về dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Chương trình bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư nhằm bảo đảm chính sách di cư công bằng, và toàn diện, và sự bảo vệ xứng đáng cho tất cả lao động di cư phù hợp với luật, quy định và chính sách của từng Quốc gia Thành viên ASEAN cũng như thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Lao động Di cư. Các biện pháp thực hiện bao gồm triển khai hoạt động của Ủy ban ASEAN về Thực hiện Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Lao động Di cư; Đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ các quyền con người cơ bản, thúc đẩy lợi ích và giữ gìn phẩm giá con người của lao động di cư qua hỗ trợ chức năng lãnh sự của cơ quan lãnh sự hoặc ngoại giao khi có lao động di cư bị bắt, hoặc bị tù hoặc bị giam giữ dưới bất kỳ cách thức nào theo luật và quy đinh của nước tiếp nhận lao động và theo Công ước Viên và Quan hệ Lãnh sự.; Chương trình thúc đẩy Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp nhằm đảm bảo trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) được đưa vào chương trình nghị sự của doanh nghiệp và nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại các Quốc gia thành viên ASEAN.

Xây dựng bản sắc ASEAN là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội với một ASEAN đa dạng trong thống nhất. Các nước thành viên đã nỗ lực thúc đẩy nhận thức và ý thức về Cộng đồng ASEAN thông qua việc xuất bản các ấn phẩm, phát hành các bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về ASEAN, thực hiện Chương trình ASEAN trong hành động và các chương trình tin tức truyền hình ASEAN, nâng cao nhận thức của ASEAN trong các trường học, tổ chức Chương trình câu đố về ASEAN; bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN với các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa…; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để xây dựng bản sắc ASEAN và một ASEAN hướng vào người dân.

Các nước thành viên ASEAN đều tăng cường hợp tác để giảm khoảng cách phát triển, đặc biệt về khía cạnh xã hội của sự phát triển giữa nhóm 6 nước ASEAN ban đầu và các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và trong ASEAN tại những vùng bị tách biệt và kém phát triển. Biên bản ghi nhớ giữa ASEAN và Ủy ban sông Mekong đã được ký năm 2010 nhằm hỗ trợ Campuchia, Lào và Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển lưu vực sông Mekong, thực hiện các chương trình và dự án nâng cao năng lực và hỗ trợ cho các nước kém phát triển hơn.

Có thể nói, hợp tác phát triển văn hóa và xã hội là những nội dung xuyên suốt của ASEAN kể từ khi thành lập đến nay. Đặc biệt, khi Cộng đồng Văn hóa-Xã hội được chính thức ra đời cùng Cộng đồng Chính trị-An ninh và Cộng đồng Kinh tế, hợp tác về văn hóa và xã hội đã được nâng lên một tầm cao mới với việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội với 6 lĩnh vực và 339 đầu mục cụ thể nhằm hiện thực hóa một cộng đồng thịnh vượng về kinh tế, đa dạng về văn hoá, ổn định về xã hội. Trong quá trình đó, ASEAN cũng đã phối hợp chặt chẽ và xúc tiến hợp tác với các nước đối thoại, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cùng các nước đối tác khác nhằm tận dụng sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho tiến trình xây dựng cộng đồng, nâng cao năng lực của ASEAN nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng.

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội: con đường phía trước và sự tham gia của Việt Nam

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác chung, đề ra các sáng kiến hướng tới nỗ lực chung của ASEAN. Đặc biệt, trong năm 2010, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa-Xã hội với những sáng kiến và nỗ lực điều phối và thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng và đã được các nước ASEAN đánh giá cao.

Hiện nay, hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (VHXH) đang tập trung rà soát việc thực hiện Kế hoạch tổng thể nhằm đánh giá tiến độ thực hiện. Việc hoàn thành Kế hoạch tổng thể vào cuối năm 2014 đòi hỏi phải có những hành động thiết thực từ các nước, có sự đồng thuận cao và phân bổ ngân sách hợp lý, hiện thực hóa những Tuyên bố, chỉ đạo Cấp cao bằng các hoạt động thực tiễn ở khu vực và quốc gia. Điều này cũng tạo nhiều cơ hội và thách thức đối với các nước ASEAN.

Với xu hướng tiến tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các cơ quan chuyên ngành của ASEAN hiện đang kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hình thành nhiều nhóm công tác của các Hội nghị Quan chức Cấp cao hay những nhóm Công tác đặc biệt. Những thách thức chính trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể bao gồm việc huy động nguồn lực, xác định ưu tiên; tính chủ động và cam kết quốc gia của các nước trong việc tổ chức thực hiện, phương pháp và cách phối hợp và giám sát.

Đối với Việt Nam, với vai trò là Trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội của Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch tiếp tục nỗ lực thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, bao gồm: Lồng ghép các nội dung hợp tác, các cam kết và các Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Cấp cao trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của cơ quan chuyên ngành liên quan; Tập trung vào hoạt động nâng cao nhận thức chung của người dân về Cộng đồng ASEAN nói chung cũng như Cộng đồng Văn hóa-Xã hội nói riêng, sử dụng Kế hoạch Truyền thông của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đã được Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội lần thứ 3 thông qua; Tìm hướng giải quyết đối với những thách thức chính trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể bao gồm việc huy động nguồn lực, xác định ưu tiên; tính chủ động và cam kết quốc gia của các nước thành viên trong việc tổ chức thực hiện; cách phối hợp và giám sát.

Với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN, Hội nghị Phúc lợi xã hội và Phát triển của ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò điều phối tích cực của mình trong sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội nhằm tiến tới một Cộng đồng ASEAN vững mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục