Công đoàn Việt Nam - Chỗ dựa vững chắc của người lao động

Nhiều kết quả mà tổ chức Công đoàn đạt được trong những năm gần đây đã thực sự tạo thêm niềm tin cho công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước.
Công đoàn Việt Nam - Chỗ dựa vững chắc của người lao động ảnh 1Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường thăm công nhân Ninh Bình, tháng 9/2017. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Cùng với sự phát triển của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động. Nhiều kết quả mà tổ chức Công đoàn đạt được trong những năm gần đây đã thực sự tạo thêm niềm tin cho công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước.

Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng

Trong bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948 đã nêu rõ nội dung cơ bản là: “Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập Công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.”

Nhìn lại lịch sử, tổ chức Công đoàn đã ra đời từ những thập niên cuối thế kỷ XVIII, khi nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cơ chế tự do cạnh tranh đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Công đoàn ra đời vì yêu cầu bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động và để thống nhất lực lượng giai cấp công nhân, đấu tranh cho sự phát triển xã hội. Ngày nay, ở hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, có rất nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động nhưng chỉ có Công đoàn mới trực tiếp tham gia giải quyết những xung đột liên quan đến quan hệ lao động.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời vào nửa đầu thế XX (1929), tồn tại và phát triển gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện tại, vị trí Công đoàn Việt Nam được thể hiện trên cơ sở pháp lý, quy định trong các văn bản pháp luật. Khoản 1 Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam năm 1990 quy định: “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam.” 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ngày một nhiều, đòi hỏi Công đoàn phải đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động cho phù hợp, phải tập hợp được nhiều đoàn viên, bám sát cơ sở để giữ vững vị trí, phát huy vai trò tích cực của mình.

Phát biểu chỉ đạo gần đây với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, những năm qua, tổ chức Công đoàn đã không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức và người lao động, làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, giai cấp công nhân, lao động đang có mặt trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước. Vì vậy, tổ chức Công đoàn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước; là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong mọi thời kỳ.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, muốn bảo đảm quá trình hội nhập của Việt Nam đi đúng hướng phải nâng cao vai trò của hệ thống chính trị Việt Nam, trong đó Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị, là cầu nối giữa quần chúng với Đảng, có mối liên hệ mật thiết với Nhà nước. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Công đoàn không những tạo nguồn lực thúc đẩy quá trình hội nhập có hiệu quả cao mà còn khẳng định vị trí của tổ chức công đoàn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Công đoàn - chỗ dựa vững chắc của người lao động

Thực tế cho thấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những chủ trương đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo đoàn viên, người lao động trên cả nước. Các cấp Công đoàn đang từng bước thay đổi nội dung, phương thức hoạt động hướng đến lợi ích của người lao động và cũng phù hợp với quá trình phát triển của đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam đang đặt niềm tin vào tổ chức Công đoàn và coi đó là chỗ dựa vững chắc trong đời sống lao động của mình.

Hiện Tổng Liên đoàn Lao động đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tổ chức Công đoàn tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động; trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Theo Đề án, tổ chức Công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 căn hộ, 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 điểm chăm sóc y tế, 50 trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, 50 phòng tư vấn pháp luật...

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết mục tiêu của Đề án giai đoạn 2018-2020 là xây dựng 50 thiết chế tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước và giai đoạn 2020-2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có các thiết chế công đoàn.

"Việc đầu tư các thiết chế không chỉ khiến công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, mà còn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống của công nhân, để tổ chức Công đoàn có thêm cơ chế để tập hợp thu hút công nhân lao động đến với tổ chức Công đoàn Việt Nam," ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động có ý nghĩa được tổ chức Công đoàn triển khai trong những năm gần đây đã trở thành phong trào được nhân rộng tại các địa phương trên cả nước như: Chương trình "Tết Sum vầy," "Mái ấm công đoàn"... Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức Công đoàn thực hiện Chương trình phúc lợi đoàn viên, đã có 562 thỏa thuận với các đối tác, hỗ trợ đoàn viên mua hàng hóa, dịch vụ với giá ưu đãi. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 786.586 đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các doanh nghiệp tham gia các thỏa thuận với tổ chức Công đoàn, với tổng giá trị đoàn viên được hưởng lợi khi tham gia Chương trình đạt trên 83 tỷ đồng.

Công đoàn Việt Nam - Chỗ dựa vững chắc của người lao động ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân, người lao động, tháng 4/2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Một hoạt động được coi là rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động là Ký thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay, đại diện tập thể người lao động đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể; công đoàn cơ sở cũng tham gia với doanh nghiệp tổ chức 30.641 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng một lần và 3.101 cuộc đối thoại đột xuất, góp phần kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động ở cơ sở, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng quan hệ lao động ổn định, hiệu quả tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, những năm gần đây, Chương trình đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với hàng nghìn công nhân lao động được tổ chức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công nhân lao động, là nguồn động lực, cổ vũ to lớn đối với giai cấp công nhân trên toàn quốc, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao đời sống, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy kinh tế phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục