Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 với mức tăng từ 6-8%.
Đây là số liệu được đưa ra tại toạ đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống thu nhập của người lao động và đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.
Tại sao tăng từ 6-8%?
Lý giải về tỷ lệ 6-8% của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, đề xuất dựa trên nhiều cứ liệu thực tế. Tới nay, chỉ số GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020.
“Trong khi đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước,” ông Lê Đình Quảng nói.
[Họp Hội đồng Tiền lương quốc gia: Tăng lương năm 2020 có 'cán đích'?]
Mặt khác, theo ông Lê Đình Quảng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tham khảo tỷ lệ lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm ở các nước khác có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam. Kết quả cho thấy: Ở Campuchia, Srilanka, Philipin, Ấn Độ, Mông Cổ, tỷ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm đều cao hơn mức tính của Việt Nam.
Từ tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Tăng lương giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2019 bàn về mức tăng tiền lương tối thiểu hồi cuối tháng Sáu, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng hơn 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng 3%.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, mức tăng 3% lương tối thiểu của VCCI có lẽ chưa phù hợp. Bởi, tăng lương tối thiểu để người lao động đủ sống cũng là cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.
Theo ông Lê Đình Quảng, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA. Nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đủ sống cho người lao động.
Mặt khác, ông Lê Đình Quảng chỉ ra rằng: “Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương khẳng định: Đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây chính là căn cứ để cuộc họp lương tối thiểu vùng 2020 có định hướng cụ thể. Với mức tăng 3% thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này.”
Tại phiên đàm phán lần 1 về lương tối thiểu vùng 2020, các bên mới chỉ dừng lại ở phần trình bày phương án để xuất, khoảng cách giữa hai bên là 5% (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng 8 % và VCCI đề xuất tăng 3%). Ngày mai (11/7) tại Hà Nội, phiên đàm phán lần 2 sẽ diễn ra, các bên sẽ tiến hành thương lượng để tìm ra được mức tăng phù hợp./.