Công dân quốc tịch Đức đầu tiên bị đưa ra xét xử tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành xét xử một phụ nữ quốc tịch Đức, 49 tuổi, với cáo buộc ủng hộ phong trào của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.
Ảnh minh họa. (Nguồn: bartlett-express.com)

Các hãng truyền thông Đức ngày 7/9 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành xét xử một phụ nữ quốc tịch Đức, 49 tuổi, với cáo buộc ủng hộ phong trào của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016.

Theo các hãng truyền thông Đức, phiên tòa xét xử được tiến hành tại thành phố Karaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và theo cáo trạng, người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức án nhiều năm tù giam.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết người phụ nữ trên sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ song đã chuyển sang sống tại khu vực Tây Nam nước Đức hơn 20 năm và nhập quốc tịch Đức khi tròn 15 tuổi.

Bà này bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8/2016 và sau đó một tháng dưới sức ép từ Bộ Ngoại giao Đức, phía Ankara đã đồng ý thả tự do cho bà, song yêu cầu bà không được phép rời khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

[Đức bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về đóng băng tài sản Giáo sỹ Gulen]

Như vậy, người phụ nữ nói trên là công dân Đức đầu tiên bị đưa ra xét xử tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc có liên quan tới vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2015.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 7/9, hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nam công dân Đức bị lực lượng an ninh nước này bắt giữ hồi tuần trước tại khu du lịch ven biển Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do chính trị cũng đã được thả tự do, song bị cấm du lịch theo phán quyết của tòa.

Người vợ của anh này trước đó cũng đã được thả sau khi bị thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát.

Hiện vẫn còn khoảng 10 công dân Đức đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ chờ ngày xét xử.

Cho đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan tới mạng lưới ủng hộ Giáo sỹ Fethullah Gulen.

Các vụ bắt giữ công dân Đức thời gian gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến quan hệ giữa 2 nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải tuyên bố xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tìm mọi cách chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục