Công cụ mới khai thác tối đa năng lượng sinh học

FAO đề xuất các công cụ mới giúp các nước khai thác tối đa năng lượng sinh học mà không phải trả giá bằng mất an ninh lương thực.
Ngày 5/3, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã đề xuất các công cụ mới để giúp các nước, đặc biệt là cộng đồng dân cư nông thôn, khai thác tối đa nguồn năng lượng sinh học mà không phải trả giá bằng mất an ninh lương thực.

Các công cụ này bao gồm website công cụ để đánh giá tác động tiềm tàng đối với an ninh lương thực của các dự án sản xuất năng lượng sinh học; Bộ các phương pháp toàn diện và các chỉ số để đánh giá tác động của năng lượng sinh học đến an ninh lương thực ở cấp quốc gia; Các thực tiễn môi trường tốt giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của sản xuất năng lượng sinh học đến môi trường.

Trong Bộ các công cụ do FAO đề xuất còn có tập hợp thực tiễn kinh tế xã hội đang được thực hiện bởi các nhà sản xuất năng lượng sinh học để cung cấp các mô hình về năng lượng sinh học có thể thúc đẩy phát triển nông thôn và tăng cường an ninh lương thực; tập hợp các biện pháp chính sách và quản lý tốt để các nước có thể sử dụng nhằm vượt qua các tác động tiêu cực của sản xuất năng lượng sinh học đến môi trường, an ninh lương thực và kinh tế xã hội.

Nghiên cứu của FAO tập trung vào các quan hệ phức tạp giữa năng lượng sinh học và an ninh lương thực, giúp các nhà hoạch định chính sách các nước có các quyết định dựa trên cơ sở tri thức mới nhất về phát triển năng lượng sinh học.

Trợ lý Tổng Giám đốc FAO về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Alexander Mueller, nhấn mạnh một trong những mục tiêu của phát triển năng lượng sinh học là phải tránh được nguy cơ gây mất an ninh lương thực.

Phá rừng để tạo ra những vùng đất mới trồng cây nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học cũng như những tác động bất lợi đến cộng đồng người bản xứ là hậu quả thảm hoạ của phát triển năng lượng sinh học.

Quan chức FAO nhấn mạnh các nguyên tắc chủ đạo của phát triển năng lượng sinh học là quản lý thận trọng, đáp ứng các mục tiêu xã hội như phát triển nông thôn bền vững, giảm đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực.

Sản xuất năng lượng sinh học một cách có trách nhiệm và trong các lĩnh vực thích hợp sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia tích cực vào phát triển nền kinh tế xanh mới, khắc phục được các tác động của nhiều thập kỷ thiếu đầu tư phát triển các khu vực nông thôn cũng như nông nghiệp thế giới, xóa đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.

Nghiên cứu của FAO nhận dạng và phân tích các công cụ chính sách khác nhau giúp các chính phủ và các nhà sản xuất năng lượng sinh học thúc đẩy các thực tiễn tốt về năng lượng sinh học./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục