Công cụ để phương Tây hoạch định chính sách về Triều Tiên

Các chính phủ phương Tây cần thừa nhận mong muốn của Bình Nhưỡng phát triển cả kinh tế song song với giải trừ từng bước vũ khí hạt nhân để hoạch định các chính sách lý giải cho mong muốn này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ thử động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn công suất lớn trên mặt đất tại một địa điểm không xác định tháng 3/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề để tâm đến những vụ thử tên lửa gần đây nhất do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành.

Ông Trump cũng không hề phát “hỏa thịnh nộ” trước những lời lăng mạ thô lỗ từ phía Triều Tiên. Kể từ năm 2017, một vài tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên đã bay qua Nhật Bản.

Nếu như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi hành động “cụ thể” chứ không phải "nói xong để đấy" thì ông Trump vẫn tin rằng một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim sắp đạt được.

[Hàn Quốc không đình chỉ đàm phán với Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa]

Quan điểm của Triều Tiên đối với mục tiêu giải trừ vũ khí đã rõ ràng kể từ tháng 3/2013, khi ông Kim Jong-un tuyên bố chính sách phát triển song song, tức phát triển kinh tế cùng với phát triển vũ khí hạt nhân.

Chính sách này dựa trên các nguyên tắc quản lý nhà nước của chế độ gia đình trị, liên quan khẩu hiệu cách mạng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành “một tay cầm súng, một tay cầm búa và liềm.”

Chính sách byungjin này là cơ hội để Kim Jong-un làm nên sự khác biệt trong di sản cầm quyền của mình đồng thời vẫn đảm bảo tính kế thừa gia đình trị.

Kể từ sau tuyên bố, giới hoạch định chính sách Mỹ đã sử dụng chính sách byungjin để vạch ra và triển khai các biện pháp trừng phạt quốc tế hiệu quả nhằm ngăn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.

Năm 2015, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Triều Tiên cần thừa nhận rằng họ sẽ không thành công trong việc phát triển kinh tế hoặc thoát khỏi sự cô lập về mặt ngoại giao nếu nước này tiếp tục khước từ phi hạt nhân hóa.”

Thông điệp của ông Kerry phản ánh sự khác biệt lớn tồn tại trong mối quan hệ Mỹ-Triều (và ở cấp độ thấp hơn là mối quan hệ của Triều Tiên với phần còn lại của thế giới). Đó là Triều Tiên có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc có được quan hệ thương mại quốc tế, song không thể có được cả hai.

Tuy nhiên, sự đánh đổi giữa vũ khí và thương mại lại được thúc đẩy không đồng nhất. Thế nên, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại được phát triển hơn.

Năm 2016, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Jim Clapper thừa nhận rằng việc buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể “đã hết hy vọng."

Trong một năm qua, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước khác như Iran và Nga vẫn tăng.

Thế nhưng, điều đáng ghi nhận là thương mại giữa Bình Nhưỡng với đồng minh Bắc Kinh lại giảm mạnh khoảng 51% trong năm 2018.

Tuy nhiên, con số này vẫn gây tranh cãi vì liên tiếp xuất hiện những cáo buộc Trung Quốc lách luật để buôn bán với Bình Nhưỡng ở biển Hoàng Hải, điều vốn hủy hoại uy tín của Bắc Kinh trong các thông tin do chính nước này thống kê.

Nếu Triều Tiên phát tín hiệu chuyển trọng tâm từ “súng” sang “búa và liềm” thì khi ấy chính sách byungjin vẫn phải là đường hướng tham khảo quan trọng đối với giới hoạch định chính sách Mỹ.

Triều Tiên đã tham dự diễn đàn sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) hồi tháng 5/2017.

“Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa,” một trong hai hợp phần của BRI, có thể là một trong những cơ hội kinh tế hấp dẫn nhất của Kim.

Không có gì vô lý khi cho rằng sự tham gia của Triều Tiên vào hợp phần này lẽ ra có thể được tính đến từ hồi đầu tháng 3/2018 và ý tưởng này vẫn vấp phải một số phản đối trong năm 2019.

Điều này sẽ trao cho Trung Quốc ảnh hưởng lớn hơn đối với Triều Tiên, song phương Tây mất đi lợi ích của mình khi tính hiệu quả tuyệt đối và phạm vi tương đối của các đòn trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng sẽ bị giảm thiểu.

Việc nắm rõ hơn những "động lực" thúc đẩy Kim Jong-un bước vào các vòng đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ mang lại lợi ích cho phương Tây.

Các chiến lược “kìm hãm” phát triển hạt nhân và “hạn chế” hạt nhân đều là những thỏa hiệp tiềm năng có thể đưa Triều Tiên tiến gần hơn đến phi hạt nhân hóa và nâng cao sự ổn định khu vực.

Tuy nhiên, thông điệp của Kim Jong-un sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Trump không thể hiện rõ Triều Tiên sẽ đi theo thỏa hiệp nào.

Mối quan hệ của Washington với các cường quốc quân sự dọc “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” đang xấu đi.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì ngày càng trầm trọng hơn, căng thẳng an ninh giữa Mỹ và Iran đang nhen nhóm, trong khi thương vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ là chiến trường mới nhất trong mối quan hệ Mỹ-Nga.

Vì vậy mà những quan ngại chính nêu trong tài liệu chiến lược quốc phòng Mỹ 2018 đã trở thành điều gì đó giống như lời tiên tri tự đúng.

Tài liệu này tập trung vào sự xung đột cường quốc lớn và các đối địch cụ thể là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Chính sách song song vẫn là một công cụ hữu ích để phân tích và hiểu được những mối quan hệ song phương và đa phương của Triều Tiên khi Kim xoay chuyển trọng tâm giữa phát triển vũ khí và phát triển kinh tế.

Những công cụ như thế này sẽ ngày càng cần thiết trong bối cảnh quan hệ Âu-Á đang ngày càng phức tạp.

Các chính phủ phương Tây cần thừa nhận mong muốn của Bình Nhưỡng phát triển cả kinh tế song song với giải trừ từng bước vũ khí hạt nhân để hoạch định các chính sách lý giải cho mong muốn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục