Theo trang mạng thehill.com, khi Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác đang bắt đầu vượt qua đại dịch COVID-19, một xu hướng đáng lo ngại đã xuất hiện: các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ sở hữu hơn 80% vaccine của thế giới, trong khi các quốc gia thu nhập thấp chỉ nhận được 0,3%.
Đối với Mỹ, đây không chỉ là một vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề có thể đe dọa sức khỏe của người Mỹ cũng như nền kinh tế của đất nước.
Và khi ngày càng nhiều quốc gia đang phát triển tìm đến Trung Quốc để được viện trợ và tài trợ vaccine ngừa COVID-19, câu hỏi đặt ra là liệu thế giới phương Tây có động thái gì hay không?
Đầu tháng 6/2021, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo hơn.
Tuy nhiên, có một công cụ quan trọng mà Mỹ và các nước trong G7 sẽ cần tới để có một đòn bẩy trên toàn thế giới: Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). SDR là quỹ dự trữ toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập ra, có thể được sử dụng để giúp các quốc gia đang đối mặt với suy thoái kinh tế.
Quỹ này hiện nay đang trở nên cần thiết để hỗ trợ ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19 ở các quốc gia có thu nhập thấp. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý phân bổ 650 tỷ USD từ SDR, đợt phân bổ lớn nhất trong lịch sử, để giúp các quốc gia có nhu cầu ứng phó đại dịch lớn nhất và phục hồi kinh tế chậm nhất.
[Mỹ tuyên bố viện trợ 2 triệu liều vaccine của Moderna cho Việt Nam]
SDR đã nổi lên như một trọng tâm của Hội nghị G7, và đúng như vậy: Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Rockefeller cho thấy các động thái tăng cường dự trữ khẩn cấp của IMF có thể cung cấp nguồn kinh phí cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2022.
G7 cũng đặt mục tiêu phân bổ lại các SDR trị giá 100 tỷ USD do các nước giàu nắm giữ cho các nước thu nhập thấp, mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là “một bước quan trọng vì sự công bằng.”
Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói: “Hơn 100 tỷ USD (cho SDR) liệu có đủ? Chúng ta cần phải nói rõ, như vậy là không đủ. Quỹ dự trữ của IMF hiện có thể cung cấp 285 tỷ USD, chỉ đủ để khắc phục những ảnh hưởng của COVID-19 đối với châu Phi. Đó thực sự là một tình huống khẩn cấp.”
Nhu cầu của toàn thế giới về SDR mà bà Georgieva nói ở đây là 2,5 nghìn tỷ USD. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh lý do tại sao việc tài trợ nhiều hơn là rất quan trọng: “Chúng ta cần thu hẹp khoảng trống tài trợ đáng kể cho việc xét nghiệm, phương pháp điều trị, các nguồn cung cấp thiết yếu như oxy và các hệ thống y tế cho phép xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng.”
Nói cách khác, chúng tôi có thể gửi một tỷ liều vaccine cho khắp thế giới, nhưng sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu các quốc gia thiếu tiền để xây dựng sở hạ tầng cần thiết cho việc mở rộng quy mô các chương trình tiêm chủng.
Đó là lý do tại sao nếu chúng ta muốn thực sự giải quyết sự bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu, chúng ta cần mở rộng hơn nữa việc sử dụng SDR.
Có 2 cách để làm điều đó: phát hành thêm SDR hoặc phân bổ lại SDR của các nước giàu cho IMF. Và cả hai biện pháp này đều phải được Quốc hội thông qua. Tin tốt là có đủ lý do để thuyết phục rằng việc này nên được lưỡng đảng ủng hộ.
Tăng SDR không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức mà đó còn là điều thông minh cần làm. Mới đây, hơn 40 nghị sỹ Mỹ đã ký vào một lá thư gửi Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc phát hành bổ sung SDR.
Trong thư, những người khởi xướng - gồm các nghị sỹ của đảng Dân chủ Pramila Jayapal (bang Washington), Tom Malinowski (bang New Jersey) và Raja Krishnamoorthi (bang Illinois) - nêu rõ: “Mỹ bắt buộc phải hành động nhanh chóng và triển khai tất cả các công cụ trong kho vũ khí của chúng ta... Sức khỏe và sự an toàn của người Mỹ chúng ta gắn bó chặt chẽ với phúc lợi và sự an toàn của những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới.”
Nếu chúng ta không ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19 trên khắp thế giới, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta và nền kinh tế Mỹ. Và khi thế giới không hỗ trợ đầy đủ các chương trình tiêm chủng ở các quốc gia thu nhập thấp, các nước này đang ngày càng quay sang Trung Quốc (để tìm kiếm sự trợ giúp).
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe kéo dài ở các quốc gia đang phát triển khiến các nước này dễ bị tổn thương bởi các vụ thâu tóm quy mô lớn của Trung Quốc, cũng như các điều khoản thương mại và đầu tư không công bằng do Trung Quốc chi phối.
Ngược lại, SDR bảo vệ ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới. Việc phân bổ thêm các SDR sẽ giúp ổn định hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ hậu thuẫn trong khi hạn chế ảnh hưởng và sự bành trướng của Trung Quốc.
Lợi ích trực tiếp đối với Trung Quốc sẽ không đáng kể vì nước này có hơn 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, phần lớn tính bằng USD. Mặc dù Trung Quốc chiếm 18% dân số toàn cầu, nước này sẽ chỉ nhận được 6% số phân bổ tài trợ. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nguy cơ trượt vào quỹ đạo của Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi không cân xứng, bao gồm phần lớn lục địa châu Phi.
Trong suốt đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy sự bất bình đẳng về y tế toàn cầu không chỉ được nhìn nhận dưới một góc độ mới mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta nhận thấy tác động của đại dịch đối với kinh tế và sức khỏe ảnh hưởng nặng nề nhất trong cộng đồng có thu nhập thấp và những người lao động phổ thông.
Điều này phải chấm dứt, và nó phải kết thúc ngay bây giờ. Với SDR, chúng ta có thể ngay lập tức đảo ngược quỹ đạo mà chúng ta đang ở trong đó, nơi COVID-19 đang lan nhanh hơn việc phân phối vaccine và chúng ta có thể đảm bảo sự công bằng hơn nhiều trong việc tiếp cận vaccine ở cấp độ toàn cầu. Chúng ta cần hành động và chăm sóc lẫn nhau./.