Cõng "chữ" lên Tủa Chùa

Cõng "con chữ" lên đỉnh cao nguyên đá Tủa Chùa

Sự học để đeo bám cái chữ với học sinh các dân tộc ở xã xa xôi Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn còn muôn vàn khó khăn.
Đã thành khó khăn chung đối với nghiệp con chữ ở mọi xã, bản của vùng đất miền biên viễn cực Tây Tổ quốc; sự học để đeo bám cái chữ đối với học sinh các dân tộc ở xã xa xôi Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn còn muôn vàn khó khăn chưa kể hết. Những câu chuyện vừa vui, vừa buồn về lớp học “nắng vờn bốn phía, gió lùa tứ bề;” những căn nhà bán trú tạm bợ, dột nát - nơi che nắng, mưa cho hàng chục học trò nhỏ; những thìa cơm đạm bạc nhưng chứa đựng niềm hạnh phúc trong ánh mắt trẻ thơ... Đó mới chỉ là những khó khăn nhỏ trong “biển khó” về cái sự học ở nơi đây.
Cõng "con chữ" lên đỉnh cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 1

Học sinh tiểu học ở xã Sín Chải đi học trong sáng sớm
Sau hành trình hàng trăm kilômét đường núi, đèo, cắt dọc những diện tích cao nguyên đá tai mèo của các xã rẻo cao Sính Phình, Tả Sình Thàng, chúng tôi cũng vào được vùng đất xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa. Mặc dù đang ở thời điểm giao mùa sang Hè, song không khí ở miền núi cao Sín Chải vẫn khá lạnh, nhất là khi ánh sáng vẫn chưa tỏ mặt người. Những dải mây mù vẫn đang bay lững lờ trên nền trời xám, bám chặt đỉnh Tang Pang Dinh như báo hiệu cái lạnh nơi đây đang còn đượm; sự phân định giờ giấc nơi được mệnh danh là “tiểu Hà Giang” thứ hai của Tổ quốc quả không mấy dễ dàng. Chúng tôi tìm đến trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học nằm gần trung tâm xã Sín Chải- một ngôi trường  ghép giữa hai cấp học 1 và 2. Hình như đã rất lâu rồi mới có “người lạ” đặt chân tới nên cả trường xôn xao lắm. Hàng trăm ánh mắt của học sinh người dân tộc Mông cứ dõi theo chúng tôi với cái nhìn lạ lẫm đan xen tò mò. Các giáo viên trong trường “tụ nhóm” lại xì xào bàn tán, thoảng trong tiếng trống trường vọng lên giữa núi non trùng điệp, chúng tôi vẫn nghe được câu nói của một giáo viên nữ: “chắc là những cán bộ về đây khảo sát để xây dựng cho trường bể nước sạch đấy...” Ở mảnh đất được coi là “miền khát” này, có được nguồn nước sạch để sinh hoạt, chống trọi với mùa khô hạn, để “thắng” lại sự khô khan của những đợt gió hanh khô thông thốc thổi là ước mơ không chỉ của những người “chèo đò chở khách qua sông” mà của hàng trăm hộc dân ở các bản Cáng Chua, Cáng Tỷ, Sín Chải, Hấu Chua, Mạng Chiền, Sáng Tớ… trên địa bàn. Hiện trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Sín Chải có 471 học sinh, trong đó số học sinh ở bán trú là 197 em, đa phần đều là con em của đồng bào dân tộc Mông. Do gia đình các em đều ở hầu hết các bản xa hàng chục kilômét như Cáng Chua 1, Cáng Chua 2, Háng Cúa... nên việc học hành, chăm lo cho cuộc sống hằng ngày đều phải tự thu xếp hết. Mỗi tháng các em được nhận hỗ trợ 420.000 đồng phụ cấp ăn, học. Song vì lý do các em còn quá nhỏ, chưa tự thu xếp được cho bản thân nên các thầy cô giáo trong trường dùng số tiền đó để nấu ăn luôn tại trường cho các em. Ngoài việc phục vụ “nội trợ” cho các em bán trú ở đây, các thầy giáo còn kiêm luôn công tác “bảo mẫu” khi tắm rửa và chăm sóc phòng các em ốm, đau. Tạm gác lại những khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập của trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Sín Chải, chúng tôi tiếp tục vượt hành trình chinh phục đèo dốc để về với điểm trường Cáng Chua 1. Đồng hành cùng chúng tôi có sự chỉ dẫn của thầy giáo Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Sín Chải. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề phấn trắng, bảng đen nơi vùng cao này, thầy Tuấn được các đồng nghiệp gọi vui là “trai bản,” là “thổ địa” của vùng đất vương mắt đi đâu cũng thấy đá tai mèo, bởi lẽ thầy đã thông thạo địa hình nơi đây như lòng bàn tay. Ấy vậy mà, phải nắm chắc tay lái, ghì môi kiệm lời, thầy Tuấn mới đưa chúng tôi vượt qua hơn 20km đường đèo với những con dốc đứng lên xuống liên hồi, trơn như đổ mỡ, đầy bùn ngập tới nửa bánh xe do cơn mưa đêm mới đưa được chúng tôi đến điểm trường sau gần 1 giờ đồng hồ “thi gan” cùng đèo dốc. Cơ ngơi của điểm trường Cáng Chua 1 giản đơn đến se sắt lòng: một căn nhà tre, nằm khuất sau những bụi cỏ đã cao quá đầu người, đứng từ độ cao điểm trường này dõi mắt xung quanh có thể thấy được xa xa, nằm dưới thung sâu là những bản làng dân tộc Mông nằm quần tụ dưới chân hay lưng chừng núi. Những tấm phên tre nứa, gianh đã mục được gá tạm lên “bộ khung nhà” siêu vẹo để che gió cho thầy và trò nơi đây. Còn phần mái gianh đã bị tốc hết già nửa diện tích, đang được gia cố bằng vài tấm prôximăng mới vận động được người dân trong bản. Nổi bật ở vị trí bục giảng là chiếc bảng đen bằng gỗ điểm những lỗ thủng lỗ chỗ được kê tạm lên trên 2 viên đá lem nhem, vương đầy bụi phấn. Chiếc “trống trường” để phát ra hiệu lệnh vào giờ học, đến lúc ra chơi hay tan học ở đây cũng thật sự lạ: một ống tre già được treo lên đầu hồi lớp học… Chứng kiến một buổi học ở điểm trường Cáng Chua 1 do thầy Cày đảm nhiệm phụ trách, đọng lại trong chúng tôi là những mái tóc phớt màu râu ngô vì nắng gió cao nguyên đá, những giọng đọc còn ngọng nghịu… Cả những ước mơ “em muốn làm cô giáo” của học sinh điểm trường này cũng hằn sâu tâm trí chúng tôi. Thầy giáo Lò Văn Cày, giáo viên điểm trường Cáng Chua 1 không giấu nổi ánh mắt buồn cho biết, điểm trường của thầy có tất cả 16 học sinh với các cấp học rải rác từ lớp 1 đến lớp 5. Việc học đối với học sinh nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi nhiều gia đình còn có tư tưởng đẻ con ra để phụ giúp việc lên nương, làm rẫy. Cái suy nghĩ “thẳng tưng” như ruột con ngựa thồ hàng chợ phiên rằng “con chữ không dễ gì làm ấm cái bụng” vẫn còn ở nhiều phụ huynh nơi đây. Đối với thầy Cày, việc phụ huynh học sinh đứng ngoài hiên lớp giục con đi về làm nương trong giờ dạy của thầy cũng không phải lạ lẫm nữa. Thầy Cày tâm sự: học sinh ở điểm trường mình dạy gặp rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại xa xôi là trở ngại lớn; học sinh lại rải rác ở các bản xa, đường đèo núi, lúc mưa xuống thì khó có thể đi học được. Cơ sở vật chất điểm trường cũng tạm bợ, tranh tre nên mưa nắng không đảm bảo, rất ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò ở đây; đa phần các em theo học ở điểm trường Cáng Chua 1 đều là con em các dân tộc nên vấn đề giao tiếp rất hạn chế, có những em bước vào học, một tiếng phổ thông cũng không biết, việc đào tạo những em này hiểu và giao tiếp bằng tiếng phổ thông được trước lúc dạy văn hóa là một điều nan giải và khi thực hiện được điều này thì có thể coi là một kỳ tích. Chúng tôi tạm biệt điểm trường Cáng Chua 1 khi cái nắng cuối ngày chỉ kịp vắt lên những tia sáng  yếu ớt trên đầu núi, để theo thầy Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Sín Chải đến thăm chỗ ở bán  trú của các em học sinh trong trường. Vừa đi, thầy giáo Tuấn vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về “sự tích” nơi ở hiện tại của các em: “Gọi là nhà ở bán trú nghe  cho có vẻ sang, thực chất đây là trụ sở cũ của trạm y tế xã được nhà trường mượn lại,”  thầy Tuấn cười. Khá vất vả để vượt qua con dốc trơn như muốn kéo tuột người lại, cuối cùng chúng tôi cũng lên tới khu ở của các em khi trời đã nhá nhem tối. Và khi mặt trời khuất sau đỉnh Tang Pang Dinh cao vời, uy nghiêm mà lầm lì thì cũng là lúc cả cao nguyên đá Sín Chải chìm dần vào màn đêm tối đến lặng phắc và âm u. Thầy Tuấn cho biết học sinh các cấp học ở trường còn nhỏ tuổi, kỹ năng sống còn thấp, giáo viên gặp khó khăn; do số lượng học sinh bán trú đông, các em phải ở ghép, lại ở nhiều độ tuổi, nhiều khối lớp khác nhau nên việc học cũng ảnh hưởng rất nhiều. Nhờ sự cố gắng của nhà trường mà các em đã có điện sáng để học bài, nhưng nhiều phòng điện vẫn chưa “phủ khắp.” Hiện tại, khu nội trú trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Sín Chải có 5 phòng thì 4 phòng “nêm” cứng học sinh nam, phòng còn lại được “ưu tiên” dành riêng cho gần… 40 em nữ. Trong khoảng không gian mỗi phòng chưa đầy 20m2 được nêm cứng 8 giường tầng. Nhẩm tính thôi cũng đủ biết mỗi phòng có không dưới 30 em học sinh đang sinh hoạt, học tập. Em Sùng A Tủa, học sinh lớp 5, Trường phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Sín Chải chia sẻ: học ở trường xa nhà lâu ngày, có nhớ nhà, nhớ lắm. Bố mẹ em ở nhà làm nương, sau em có 3 em gái nhỏ tuổi nữa. Nhưng bố mẹ bảo lên đây để học nên em ở lại cố gắng học tập tốt. Phòng em ở có 29 bạn, cứ 2 hoặc 3 bạn ngủ một giường, lúc đầu chật hẹp, khó chịu nhưng ở lâu rồi nên quen thôi. Giờ em làm trường phòng rồi, hằng ngày em có nhiệm vụ bảo các bạn nhặt giấy vụn, quét rác và nhắc nhở các bạn cùng học bài, không được làm việc riêng, ảnh hưởng đến các bạn khác. Qua những gì được nghe, được thấy, chúng tôi cảm nhận rằng sự học ở Sín Chải vẫn còn nhiều gian nan. Những khó khăn đó không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất ở trường, lớp; Ở sự khó nhọc phải “vật lộn” với con chữ khi cái đói, rét cứ chực chờ đến với các em học sinh nơi đây mà còn là cả những thiếu thốn về tình cảm gia đình, thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như vậy song hằng ngày các em vẫn cố gắng đến lớp, đến trường, vẫn cố gắng học tập và không ngừng nuôi ước mơ nối dài con chữ để sau này phục vụ quê hương. Mơ ước đó của các em được những người thầy, cô  bất chấp khó khăn, vất vả, vượt qua những gian nan của đường xá, thiên nhiên, môi trường, “đánh vật” với miếng cơm, manh áo, nỗi nhớ nhà, nhớ quê xa, người thân...để cõng con chữ lên đỉnh cao nguyên, ươm mầm xanh, thắp sáng ước mơ của hàng trăm học sinh nghèo trên miền đất cao nguyên đá này.../.
Cõng "con chữ" lên đỉnh cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 2     
Chỗ ăn trưa của học sinh được sắp xếp ngay tại lớp học

Cõng "con chữ" lên đỉnh cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 3

Bốn học sinh dân tộc Mông trong khu bán trú khi đêm buông xuống

Cõng "con chữ" lên đỉnh cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 4

Cơ ngơi điểm trường Cáng Chua 1

Xuân Tiến-Vũ Lợi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục