Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn.
Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.
Trải qua 15 năm bảo tồn và phát triển, kể từ sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên.
Mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống
Tây Nguyên được biết đến là xứ sở của những thiên sử thi đẫm chất huyền thoại, vùng đất của đại ngàn xanh thẳm, của không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc. Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên, như Êđê, Bana, Xơđăng, Jrai, M’nông, Cơ ho…
Cồng chiêng xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên chan hòa nắng gió từ bao giờ không ai rõ. Nó như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cồng chiêng có từ thời cổ đại, bắt nguồn từ nền văn minh Đông Sơn có cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm, với hai nhạc cụ điển hình là trống đồng và cồng chiêng.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thế giới siêu nhiên. Nó được coi là biểu hiện cho tài sản, quyền lực, sự an toàn trong mỗi gia đình và cộng đông.
Cồng, chiêng được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc.
Trong một bộ chiêng, chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có dân tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...
Trải qua năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng, đã sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên.
Âm thanh của cồng chiêng như xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, nỗi cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ điệu cồng chiêng say lòng người.
Âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày. Lúc đứa trẻ mới chào đời, tiếng cồng vang lên chào đón thành viên mới.
Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của đời sống, từ việc ruộng đồng cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, khi đón khách, lên nhà mới hay tang lễ… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của con người Tây Nguyên.
Vào những ngày lễ hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Đây cũng chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
[Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên]
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thụy Loan, giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền ở Việt Nam bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng, được chỉ mặt gọi tên bằng 10 giá trị gồm giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người, thậm chí cả đặc trưng văn hóa của những nhóm địa phương trong cùng một tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá trị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng; giá trị lịch sử.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên vô giá
Quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, đời sống kinh tế mới đã phá vỡ kết cấu cộng đồng xưa, các sinh hoạt truyền thống ngày càng ít đi khiến không gian văn hóa cồng chiêng không còn vị trí như trước. Di sản văn hóa này đứng trước nguy cơ mai một lớn, khiến cho việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức, bí quyết về cồng chiêng cho thế hệ tương lai gặp nhiều khó khăn.
Đã có thời gian, nạn mua bán cồng chiêng làm vơi đi rất nhiều số lượng cồng chiêng trong các gia đình, khiến số lượng cồng chiêng ở Tây Nguyên giảm sút tới mức báo động. Tiếng cồng chiêng ngày càng thưa thớt trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên.
Thanh niên Tây Nguyên ngày càng ít biết đến những giá trị của cồng chiêng, ít gắn bó với những sinh hoạt của cộng đồng như xưa. Cồng chiêng vì thế trở thành chuyện của người già, dần nằm bên bờ vực của sự mai một. Ngay cả các nghệ nhân nắm giữ những giá trị nghệ thuật cồng chiêng cũng đã mất hoặc còn rất ít. Hầu hết họ đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm."
Trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng các đề án, dự án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của địa phương mình.
Các đề án, dự án tập trung vào việc khôi phục các lễ hội của dân tộc, tổ chức truyền dạy cồng chiêng, thành lập các câu lạc bộ, đội văn hóa các cấp, cũng như khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.
Tại nhiều tỉnh đã có 100% số xã, phường có đội cồng, chiêng, với số lượng cồng chiêng lên tới hàng nghìn bộ. Tuy vậy, một số trong lớp trẻ mới lớn lên lại không biết đánh cồng chiêng. Vì vậy, nhiều nơi ở Tây Nguyên, đoàn thanh niên đã có sáng kiến xây dựng làng văn hóa thanh niên mà một trong những yêu cầu đối với đoàn viên là phải biết đánh cồng chiêng và múa hát dân tộc. Nhiều nơi còn tích cực phục hồi các xưởng chế tạo và sửa chữa cồng chiêng, góp phần đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong cộng đồng.
Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên còn đẩy mạnh công tác khảo cứu điền dã, trao đổi với các nghệ nhân, xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn về âm nhạc truyền thống. Công tác đào tạo về cồng chiêng được đẩy mạnh trong các trường nghệ thuật của hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và trường Đại học Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm trình diễn, giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các kỳ Festival quốc tế cồng chiêng, lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở cấp khu vực và cấp tỉnh cũng được tổ chức định kỳ hàng năm tại các tỉnh Tây Nguyên.
Cồng chiêng Tây Nguyên cũng được vinh danh qua nhiều lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực, như: Liên hoan cồng chiêng tại các kỳ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Tuần Văn hóa-Du lịch Kon Tum…
Những lễ hội cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên đã và đang thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt về văn hóa, du lịch, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió./.