Công bố ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam

Ứng dụng S-Health sẽ cung cấp thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp cũng như cách chăm sóc người cao tuổi thông qua video và hình ảnh.
Công bố ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam ảnh 1Ứng dụng S-Health sẽ cung cấp thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi. (Ảnh: BTC cung cấp)

Ngày 28/1, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Hội Người cao tuổi Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức lễ ra mắt “S-Health” - Ứng dụng di động đầu tiên cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, người chăm sóc và người thân trong gia đình.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất tại châu Á. Giai đoạn chuyển tiếp từ dân số già hóa sang dân số già khoảng 17 đến 20 năm. Điều này tạo ra nhiều thách thức trong phát triển chính sách và chương trình dành cho người cao tuổi.

[Đại hội XIII: Quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn đến người cao tuổi]

Đặc biệt, nhiều người cao tuổi hiện vẫn gặp khó khăn và thách thức trong cuộc sống và cần sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ và cộng đồng.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt cho hay những biện pháp này dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng, tiến tới mục tiêu đảm bảo tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh cho người cao tuổi. Ứng dụng S-health sẽ giúp người cao tuổi tiếp tục làm những điều mà họ trân trọng và giúp họ tránh bị cô lập xã hội và phụ thuộc vào sự chăm sóc.

Theo ban tổ chức, chữ “S” trong S-Health là viết tắt của từ tiếng Anh “Silver” (nghĩa là “bạc”) tượng trưng cho người cao tuổi đồng thời mang hình dáng của đất nước Việt Nam, với ý nghĩa người cao tuổi Việt Nam là trung tâm sức mạnh, trí tuệ và nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội không ngừng của đất nước.

Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã để lại những tác động nghiêm trọng đối với người cao tuổi và làm nổi bật vấn đề sức khỏe và phúc lợi của người cao tuổi trong xã hội. Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Rõ ràng, người cao tuổi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương và những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Người cao tuổi phải được ưu tiên trong các nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 của Việt Nam nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.

Ứng dụng S-Health sẽ cung cấp thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp cũng như cách chăm sóc người cao tuổi thông qua video và hình ảnh hướng dẫn.

Những thông tin trong ứng dụng sẽ giúp người cao tuổi tự chuẩn bị phòng ngừa và ứng phó với COVID-19, được cập nhật thường xuyên từ các nguồn thông tin chính thống của Bộ Y tế.

Nút SOS trong ứng dụng để người cao tuổi hoặc người thân của họ gọi xe cứu thương hoặc hỗ trợ khẩn cấp…

S-Health sẽ trải qua quá trình thử nghiệm và điều chỉnh để sẵn sàng ra mắt với phiên bản cập nhật và hoàn thiện vào Ngày Người cao tuổi Việt Nam vào tháng 6 năm 2021.

Già hóa dân số không chỉ là một trong những xu thế lớn mà còn là một hiện tượng toàn cầu. Từ năm 2015 đến năm 2050, ước tính số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ tăng từ 703 triệu người lên khoảng 1,5 tỷ người, chiếm 15,5% tổng dân số thế giới.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Tính đến năm 2036, Việt Nam được dự báo sẽ chuyển đổi từ xã hội “già hóa” sang xã hội có “dân số già”.

Hiện nay, số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) là 7,4 triệu người, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 23 triệu người vào năm 2053, tương đương với 20% tổng dân số.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao nhất trên thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển sang thời kỳ dân số già hóa, ví dụ như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Hoa Kỳ (69 năm), Canada (65 năm) hay Vương quốc Anh (45 năm), Việt Nam ước tính sẽ chỉ mất 20 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục