Ngày 8/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành phố Sơn La có diện tích tự nhiên 32.351ha gồm 5 xã, 7 phường với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sơn La đã tích cực vào cuộc với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất.
Qua 8 năm thực hiện, đến tháng 7/2019, toàn thành phố Sơn La có 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là đơn vị đầu tiên của tỉnh Sơn La có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của thành phố đã có nhiều thay đổi vượt bậc đúng với mục tiêu đề ra. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Thành phố có kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân, chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao; các di tích và truyền thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và phát triển; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.
Nổi bật, hệ thống giao thông nông thôn của thành phố Sơn La được cải tạo, nâng cấp, xây dựng đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới. Thành phố Sơn La đã huy động các nguồn lực để cứng hóa, sửa chữa, nâng cấp 215,436km đường giao thông trên địa bàn các xã; 100% số xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; 13/14 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học nghề, phổ thông trung học đạt 91,93%; số lao động có việc làm qua đào tạo, có chứng chỉ nghề đạt 32,1% (5.832/18.168 lao động).
Thành phố Sơn La có 5/5 trạm y tế xã đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ; 100% các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,78%, tăng 46,69% so với năm 2012. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Sơn La năm 2018 là 32,74 triệu đồng/người/năm, tăng 2,8 lần so với năm 2012; ước thu nhập năm 2019 đạt 35,13 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) của thành phố năm 2018 giảm còn 166/7.503 hộ, chiếm tỷ lệ 2,2%; ước đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã còn khoảng 1,93%, giảm 1,67% so với năm 2012.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông đã trao Quyết định và Bằng công nhận thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho tập thể lãnh đạo thành phố Sơn La đồng thời thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng nhân dân và cán bộ thành phố Sơn La đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh Sơn La xác định đây là Chương trình trọng tâm của địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập bền vững của khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của từng địa phương trên địa bàn.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh; góp phần quan trọng đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phong trào đã khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò của người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Dự kiến, hết năm 2019, toàn tỉnh có 41/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, nhân dân từ tỉnh đến cơ sở nói chung, thành phố Sơn La nói riêng tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững.
Các cấp chính quyền đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các vùng nông sản tập trung đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, chủ động xuất khẩu. Đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, thành phố Sơn La quan tâm bố trí nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách vào điều kiện cụ thể của địa phương; đánh giá, rà soát việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị.
Thành phố Sơn La cũng cần thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đô thị; tiếp tục chỉnh trang đô thị; rà soát và điều chỉnh các đồ án quy hoạch; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn; bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để nhân dân chủ động, tích cực tham gia trong xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng thành phố Sơn La phát triển theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; ứng dụng tốt thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chăm sóc sức khỏe cho người dân, xây dựng theo quy hoạch và tầm nhìn phát triển cho tương lai, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm tiểu vùng Tây Bắc..../.