Công bố thành lập thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thị xã Phú Mỹ được thành lập trên cơ sở toàn bộ hơn 330km2 diện tích tự nhiên của huyện Tân Thành, gồm năm phường và năm xã với dân số 175.000 người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Ngày 18/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã dự Lễ công bố Nghị quyết số 492/NQ-UBTVQH14 ngày 12/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Thị xã Phú Mỹ được thành lập trên cơ sở toàn bộ hơn 330km2 diện tích tự nhiên của huyện Tân Thành. Thị xã Phú Mỹ gồm năm phường: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và năm xã: Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên với dân số 175.000 người.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý Phú Mỹ là một đô thị trẻ, vì vậy trong phát triển kinh tế phải gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục y tế, văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thị xã cần tiếp tục làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và xây dựng chính quyền thị xã, phường, xã tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Huyện Tân Thành được thành lập theo Nghị định 45/NĐ-CP ngày 2/6/1994 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Châu Thành cũ với tám đơn vị hành chính gồm bảy xã và một thị trấn, dân số 75.000 người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Nghị quyết thành lập thị xã Phú Mỹ cho lãnh đạo thị xã. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Với điểm xuất phát ban đầu về kinh tế, xã hội rất thấp, sau hơn 20 năm, huyện Tân Thành đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, địa bàn huyện, chín khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp đang hoạt động với quy mô gần 5.000ha.

Tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động trong khu công nghiệp đến nay là 215 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỉ USD, trong đó có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 8 tỉ USD. Các dự án trên địa bàn huyện hầu hết đều có quy mô lớn, hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển không chỉ của tỉnh mà cả nước; trong đó, tiêu biểu là các dự án đường ống dẫn khí và trạm phân phối khí đốt, tổ hợp các nhà máy điện, nhà máy sản xuất phân bón, các nhà máy sản xuất xi măng, thép…

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải nằm trên địa bàn huyện hiện có 17 cảng (trong tổng số 32 cảng quy hoạch) đã đi vào hoạt động với khối lượng hàng hóa thông qua năm 2017 đạt hơn 74 triệu tấn. Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang thể hiện tốt vai trò là cửa ngõ thông ra thế giới bằng đường biển của cả khu vực phía Nam của Việt Nam.

Năm 1995, giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra trên địa bàn huyện chỉ đạt 43 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt gần 13.100 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có hơn 3.900 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, tăng hơn 2.600 cơ sở so với ngày đầu thành lập huyện.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2017 đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng gần 23 lần so với năm 1994. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hiện đạt gần 91%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt hơn 17.530 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 159 triệu đồng/người/năm, trong khi, thu nhập bình quân đầu người năm 1995 chỉ 6,8 triệu đồng…

Tại buổi lễ, lãnh đạo thị xã Phú Mỹ cho biết, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa Phú Mỹ đạt tiêu chuẩn là đô thị loại 3, trở thành đô thị công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục