Công bố quyết định chuẩn y ông Cao Tường Huy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đối với ông Cao Tường Huy.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 25/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh đã công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chuẩn y ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh đây là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng, lâu dài trong nhiều nhiệm kỳ của tỉnh về công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó có đội ngũ cán bộ chiến lược, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong muốn trên cương vị mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy cùng với tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh "Kỷ luật-Đồng tâm," truyền thống đoàn kết, gắn bó, xây dựng khối đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đồng thời, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, dân chủ, sáng tạo trong điều hành, thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hành động, phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương trong tình hình mới cũng như đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục