Ngày 3/4, Bộ Xây Dựng phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030.
Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013.
Theo đó, phạm vi quy hoạch xây dựng vùng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên là 115.153,4km2 (chiếm 35% diện tích tự nhiên cả nước) gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện miền núi phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo Đồ án quy hoạch, hệ thống đô thị toàn vùng được phân bố hợp lý trên cơ sở ba vùng không gian gồm vùng biên giới Việt-Trung, vùng biên giới Việt-Lào và vùng trung du gò đồi.
Thời gian thực hiện quy hoạch được chia làm hai giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 và giai đoạn năm 2020-2030.
Dự báo, đến năm 2020, quy mô dân số toàn vùng là hơn 15 triệu người, trong đó có khoảng khoảng 5 triệu người sống ở 216 đô thị.
Năm 2030 dân số toàn vùng đạt 16.800 người, dân số đô thị khoảng 6,7 triệu người, tổng số đô thị toàn vùng khoảng 280 đô thị; đất xây dựng đô thị khoảng 95.000ha, tốc độ đô thị hóa gần 40%.
Không gian vùng đến năm 2030 sẽ phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050…
Trước mắt, từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành mạng lưới giao thông đối ngoại gồm cả hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao và đường thủy; nâng cấp các cơ sở kinh tế động lực của vùng như các đô thị Lào Cai, Lạng Sơn, Việt Trì, Bắc Giang; nâng cấp các khu, cụm công nghiệp đã có trên tuyến vành đai kinh tế; tiếp tục thực hiện chương trình ổn định và phát triển các vùng tái định cư của vùng lòng hồ Sơn La, Lai Châu và ổn định phát triển dân cư của vùng biên giới Việt-Trung, Việt-Lào…
Tại buổi lễ, đại diện các địa phương đều nhất trí cho rằng đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của cả nước song cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, yếu kém.
Do đó, để việc thực hiện quy hoạch đạt kết quả cao cần phải có những chính sách đặc thù đối với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới; các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu đưa các dự án đầu tư trọng điểm đến với một số tỉnh để làm “đòn bẩy” cho nền kinh tế trong toàn vùng.
Sau khi bàn giao hồ sơ Quy hoạch cho đại diện các địa phương, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị các ban ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chủ động triển khai và phối hợp triển khai một cách đồng bộ, tập trung và thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Bộ Xây dựng cũng gợi ý một số việc cần thực hiện trước như Công bố Đồ án Quy hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận cao; xây dựng tính đặc thù cho từng vùng đô thị gắn liền với nền văn hóa vùng miền; hạn chế khai thác tài nguyên, bảo vệ nguồn tài nguyên dự trữ quốc gia, bảo vệ rừng và nước đầu nguồn…
Trong quá trình thực hiện Đồ án, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp, các địa phương cần sớm đề xuất, báo cáo để Bộ Xây dựng tổng hợp lại và trình Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp./.