Chiều 17/10, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết trước tình trạng cá nuôi lồng bè ở xã đảo Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) chết trong khoảng thời gian từ ngày 10-13/10 vừa qua, tỉnh đã mời các cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.
Qua kết quả của các cơ quan chuyên môn xác định, nguyên nhân chính dẫn đến cá chết là do độ mặn và lượng ôxy trong nước trên sông giảm, khiến cá nuôi trong lồng bè bị tuột nhớt (đốm trắng), thiếu ôxy để thở, lờ đờ, bỏ ăn rồi chết. Ngoài ra, nguyên nhân khác tác động dẫn đến cá chết cũng có nhưng không đáng kể.
Độ mặn và lượng ôxy trong nước sông giảm do vào thời điểm trên có mưa nhiều, kể cả nước từ thượng nguồn qua sông Dinh đổ xuống đã pha loãng nước trên sông các khu vực nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn trước khi đổ ra biển.
Thực tế, cá chết đợt này không chết hàng loạt, trong thời gian ngắn, khi cá còn đang khỏe mạnh mà kéo dài trong mấy ngày và có những biểu hiện cá bị đốm trắng, lờ đờ, bỏ ăn một thời gian mới chết.
Bên cạnh đó, cá chết chủ yếu là cá bớp, cá chim là cá sống ở tầng nước mặt, cần nhiều ôxy để thở và chết ở những lồng bè, hộ nuôi với mật độ dầy, cá to nên càng thiếu ôxy.
Còn những loại cá sống ở tầng đáy, cần ít ôxy như cá mú, tôm thì không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, sau đợt cao điểm cá chết (từ ngày 10-13/10), đến nay, cá vẫn còn lác đác chết.
Ông Trần Văn Cường giải thích thêm, tình trạng cá chết như trên đã diễn ra từ những năm trước và chủ yếu diễn ra vào thời điểm mưa nhiều.
Nhưng trước đây, vì ít người nuôi và nuôi ít nên số lượng cá chết không đáng kể. Gần đây, có nhiều hộ nuôi, nuôi với số lượng lồng và mật độ cá thả dày đặc hơn nên cá chết nhiều hơn.
Cá chết với nguyên nhân trên cũng đã xảy ra ở nhiều địa phương khác chứ không riêng Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng bè ở Long Sơn trước mắt cần thu hoạch cá sớm hơn để hạn chế thiệt hại, tăng cường sục khí để nâng cao lượng ôxy trong nước, san thưa lượng cá, giảm bớt số lồng bè và không thả nuôi mới.
Về lâu dài, ngành sẽ tìm thêm các điểm nuôi mới để kéo dãn những điểm nuôi dầy hiện tại; đồng thời xác định những điểm thường xuyên xảy ra cá chết để hỗ trợ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn nuôi mật độ phù hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu và xã Long Sơn kết hợp với người dân tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản trong khu Tân Hải.
Đồng thời, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện quy hoạch xây dựng 2 khu chế biến hải sản tập trung.
Đối với đợt cá chết lần này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu phối hợp với các ngành chức năng tổ chức xác định chi tiết mức độ thiệt hại của các hộ nuôi, các hộ còn đang mắc nợ ngân hàng để giúp thương lượng khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện cho các hộ có thể phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao cho các ngành chức năng xác định, đối chiếu, nếu đợt cá chết này là do thiên tai gây ra thì có hình thức hỗ trợ phù hợp theo quy định hiện hành.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong đợt cá chết vừa qua, đã có 90 hộ nuôi cá lồng bè xã Long Sơn bị thiệt hại với khoảng 254 tấn cá bị chết, trong đó, có 70 hộ bị thiệt hại nhiều, 20 hộ còn lại thiệt hại ít. Lượng cá chết chủ yếu là cá bớp và cá chim. Tổng thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng./.