Công bố kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh

TP.HCM là đô thị đặc biệt, số lượng hồ sơ xử lý hàng năm lên tới 14 triệu hồ sơ, muốn vậy phải ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 9/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin tại thành phố còn rời rạc, thiếu đồng bộ, tỷ lệ số hóa còn thấp, dịch vụ công trực tuyến thiếu thống nhất...; từ đó ảnh hưởng đến khả năng phục vụ dự báo, tổng hợp thông tin liên ngành, ra quyết định, gần như không chia sẻ dữ liệu, chưa hợp thành nguồn tài nguyên số đồng thời chưa thu hút được doanh nghiệp và người dân tham gia.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chiến lược của thành phố là nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng chính quyền điện tử là vấn đề cần thiết, cấp thiết, không thể làm theo phương cách truyền thống trước đây.

Nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị đặc biệt, số lượng hồ sơ xử lý hàng năm lên tới 14 triệu hồ sơ. Muốn vậy phải ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ các văn bản pháp luật.

[Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện đẩy nhanh, đẩy mạnh giải pháp công nghệ vào sở ngành, đơn vị sự nghiệp; đưa dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 không chỉ ở địa bàn phát triển hạ tầng thông tin mà còn ở vùng sâu, vùng xã, địa bàn huyện; ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, đổi mới công tác quản trị.

Tới đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cần nhân rộng mô hình các quận huyện, sở, ngành đã thực hiện các giải pháp công nghệ có hiệu quả.

Cùng với đó, việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phải tuân thủ khung thiết kế, quy định pháp luật, kết nối và chia sẻ được với trung tâm dữ liệu.

Vấn đề này cần sự chung tay hợp tác, tư vấn, tham gia của doanh nghiệp công nghệ. Chỉ có triển khai các dịch vụ công trực tuyến mới giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực, hạn chế tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ chính quyền.

Ngoài ra cần đảm bảo an toàn an ninh thông tin, nhất là đối với những thông tin mật.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đề xuất buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ quy trình đầu tư giải pháp công nghệ, hạ tầng vì đây là lĩnh vực đặc thù, tuân thủ theo Luật Đầu tư công trong khi các thiết bị thay đổi nhanh chóng, cần phải có quy trình riêng.

Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo an toàn và tiếp nhận giải pháp mới, hiệu quả mang tính thời đại.

Kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước của thành phố.

Kiến trúc này được xây dựng trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…

Với kiến trúc này, Thành phố Hồ Chí minh đặt ra mục tiêu đảm bảo các kế hoạch đầu tư về công nghệ thông tin và truyền thông của các cơ quan chính quyền thành phố đạt được thành quả đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, qua đó tránh lãnh phí, trùng lắp, tiết kiệm ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục