Công bố huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng huyện Tây Sơn cần có tư duy mới, cách làm mới không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến mà còn trong vấn đề an sinh xã hội, quản lý đô thị...
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trao quyết định công nhận Nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Tây Sơn. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Ngày 1/10, tại thị trấn Phú Phong, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng Đoàn công tác tham dự Lễ công bố huyện Tây Sơn (Bình Định) đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Sơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Huyện cần tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển bền vững, tiên tiến, hiện đại.

Phó Thủ tướng cho rằng huyện cần phải có tư duy mới, cách làm mới không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến mà còn trong vấn đề an sinh xã hội, quản lý đô thị, môi trường.

Huyện tiếp tục phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu để các tỉnh, thành phố học tập. Các chỉ tiêu phát triển phải thể hiện thực chất, toàn diện như: không có hộ nghèo, không có đối tượng nghiện hút, không có người làm ảnh hưởng đến môi trường, làm mất an ninh trật tự.

Phó Thủ tướng mong rằng thời gian tới, Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh, hiện đại.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động về “Xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới."

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân huyện đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Qua hơn 13 năm thực hiện, kinh tế-xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ chiếm gần 74%. Thu ngân sách của huyện hằng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2011). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn giảm còn 3,57% (giảm gần 13% so với năm 2011).

Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 17.200 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh.

Dịp này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn là huyện nông thôn mới năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục