Một bộ sưu tập các bức ảnh chụp đời sống gia đình hoàng gia Romanov của Nga vào thời điểm một năm trước Cách mạng tháng 10 vừa được công bố. Các bức ảnh cho thấy họ ở cùng nhau trong một đợt đi nghỉ trên bãi biển và còn ghé thăm những người lính bị thương trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Theo Daily Mail, ảnh được chụp không lâu trước khi vương triều Romanov, với lịch sử cầm quyền dài 300 năm, kết thúc. Làn sóng cách mạng khiến Sa hoàng Nicholas II phải thoái vị, trước khi bị chính quyền cách mạng xử tử.
Trong một bức ảnh, Nicholas II cùng các con gái Anastasia, Maria, Olga và Tatiana đang nhìn chăm chú vào chiếc máy ảnh. Sa hoàng đứng với dáng vẻ đầy kiêu hãnh trong bộ quân phục. Bức khác có cảnh Maria, Olga và Tatiana đứng ở một vùng nước nông trên bãi biển. Người em trai Alexei, khi đó mới 14 tuổi, đứng trước mặt các chị gái.
Một bức ảnh mô tả công chúa Anastasia đeo răng giả và vờ biến thành quỷ. Bức nữa chụp Olga đang nằm trên giường, hướng ánh mắt xuống chiếc máy ảnh đặt thấp dưới đất.
Các bức ảnh cực hiếm này được cho là chụp trong giai đoạn từ năm 1915 tới năm 1916. Là người mê nhiếp ảnh, Nicholas II chăm sóc kỹ lưỡng các bức ảnh của mình. Ông thường để chúng cẩn thận trong rất nhiều album khác nhau.
Tình yêu nhiếp ảnh của Sa hoàng đã được truyền lại cho Maria, cô con gái thứ 3 của ông, cũng chính là người đã tô màu cho phần lớn các bức ảnh.
Bộ ảnh hiếm có vài bức chụp cảnh gia đình đang thăm các binh sĩ bị thương gần biên giới. Khi Thế chiến thứ nhất tiếp tục kéo dài, bất ổn bắt đầu xuất hiện ở Nga. Do chính quyền không thể sản xuất thêm hàng hóa để phục vụ đời sống của dân, khó khăn đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn, nổi dậy.
Tới đầu năm 1917, Nga đã ở bên bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn. Ngày 23/2/1917 ở Petrograd, sự kết hợp giữa thời tiết cực lạnh và tình trạng thiếu hụt thực phẩm đã khiến người dân đập phá nhiều cửa hàng để lấy bánh mỳ và các hàng hóa thiết yếu khác.
Trên phố, các lá cờ đỏ cách mạng đã xuất hiện và không khí chống Sa hoàng tăng dần lên. Trật tự nhanh chóng đổ vỡ và lực lượng cách mạng đã gia tăng sức ép, yêu cầu Nicolas thoái vị.
Đối mặt với áp lực, trong bối cảnh không còn được sự ủng hộ của các tướng lĩnh và quân đội, Nicholas II đã buộc phải thoái vị, qua đó chấm dứt chế độ quân chủ cuối cùng ở Nga./.