Ngày 2/12, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố bảng xếp hạng chất lượng của các phòng khám đa khoa trên địa bàn năm 2019, trong đó chỉ có 6 phòng khám đạt mức chất lượng tốt và có đến 41 phòng khám có mức chất lượng kém.
Trong số 41 phòng khám có chất lượng kém đứng chót bảng là Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Y khoa MEDIC Tân Hưng (Quận 5), Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chợ Đệm (Bình Chánh), Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ y tế Thiện Phước (huyện Củ Chi)…
Trên địa bàn thành phố có 216 phòng khám đa khoa công lập và tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động tính tới thời điểm tháng 4/2019, bao gồm: 28 phòng khám đa khoa công lập thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện; và 188 phòng khám đa khoa tư nhân được đánh giá theo “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám đa khoa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phiên bản 3.0” do Sở Y tế xây dựng với thang điểm tối đa là 5 điểm. Đặc biệt, có 14 phòng khám xin hoãn chưa được đánh giá chất lượng trong đợt này.
[TP Hồ Chí Minh đối mặt nguy cơ vượt dự toán chi bảo hiểm y tế]
Thành phố Hồ Chí Minh có 6 phòng khám đạt mức chất lượng tốt gồm Phòng khám Đa khoa An Phúc, Phòng khám Đa khoa Hợp Nhân, hệ thống Phòng khám Đa khoa Phước An (phòng khám số 1 và số 5), Phòng khám Đa khoa Vigor Anbis Japan, Chi nhánh 1 của Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng An Nhiên.
Bên cạnh đó, có 42 phòng khám đạt mức chất lượng khá; 39 phòng khám đạt mức chất lượng trung bình khá; 74 phòng khám đạt mức chất lượng trung bình; 41 phòng khám đạt mức chất lượng kém.
Bộ “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám đa khoa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phiên bản 3.0” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành có độ khó hơn so với các bộ tiêu chí phiên bản trước, đòi hỏi các phòng khám ngoài việc tuân thủ quy định, phải thực sự đào sâu, nghiên cứu kỹ để có được sự cải tiến chất lượng hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, nhiều phòng khám thường gặp các lỗi như: quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn mà phòng khám được phép thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều phòng khám chưa chú trọng đầu tư công tác kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm; chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học; chưa tuân thủ quy chế ghi chép hồ sơ bệnh án; chưa đảm bảo tuân thủ việc đăng ký hành nghề về Sở Y tế khi có thay đổi nhân sự; nhân viên y tế chưa đảm bảo đào tạo liên tục đủ số tiết theo quy định.
Qua đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa năm 2019, Sở Y tế yêu cầu tất cả phòng khám đa khoa tiếp tục phát huy những tiêu chí đã đạt mức trung bình khá trở lên, có giải pháp khắc phục các tiêu chí còn ở mức chất lượng kém.
Sở Y tế cũng yêu cầu các phòng chức năng có liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tăng cường công tác hậu kiểm, nhất là đối với những phòng khám có phản ánh sai phạm của người dân, báo chí và các phòng khám còn ở mức chất lượng kém.
Sở kiến nghị Bộ Y tế tăng mức xử phạt mang tính răn đe đối với các phòng khám cố tình vi phạm các quy định pháp luật khi sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh vào năm 2020./.