Công bố bộ sách giáo khoa lớp 1 áp dụng từ năm học 2020-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 32 sách giáo khoa đã vượt qua vòng thẩm định để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục.
Phụ huynh và học sinh lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các bộ/cuốn sách giáo khoa vượt qua vòng thẩm định để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa được lựa chọn.

Bộ 32 sách giáo khoa này thuộc các nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Giáo dục chiếm số lượng lớn nhất với 26/32 cuốn. Việc chọn sách làm tài liệu học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trường Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Các Sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường.”

[Thẩm định sách giáo khoa: Những kinh nghiệm từ Nhật Bản]

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện, làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng chọn sách sử dụng tại địa phương.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy trình thẩm định được thực hiện rất chặt chẽ đối với tất cả 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo. Số lượng cụ thể bao gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức mỗi môn 6 bản thảo; Tự nhiên - Xã hội (5); Giáo dục thể chất (4); Nghệ thuật (Âm nhạc) (5); Nghệ thuật (Mỹ thuật) (5); Hoạt động trải nghiệm (6); tiếng Anh (6).

Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá “không đạt”.

Từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định Sách giáo khoa lớp 1 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập đã tiến hành đánh giá các bản thảo Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe.

Sau khi tiếp nhận bản mẫu, mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo Sách giáo khoa.

“Kết quả thẩm định của các Hội đồng vừa qua cho thấy nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực,” đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Sách giáo khoa lớp 1 môn Toán chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì hoạt động thẩm định sách giáo khoa lần này là tiến bộ nhất trong các lần thẩm định từ trước tới nay./.

Danh sách 32 bộ/cuốn sách giáo khoa vượt qua vòng thẩm định:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục