Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 21/3 đã công bố bản đồ chi tiết nhất về các tia phóng xạ cổ đại phát ra từ vụ nổ Big Bang. Cơ quan này hy vọng những dữ liệu mới sẽ giúp hé lộ ánh sáng về sự hình thành và giãn nở trong vũ trụ của chúng ta.
Bản đồ thực chất là một bức ảnh với độ phân giải 50 triệu điểm ảnh, ghi lại được những ánh sáng cổ nhất từ trước tới nay, đã giúp tăng thêm độ chuẩn xác cho một số lý thuyết vũ trụ học đang tồn tại, định nghĩa chính xác hơn về kết cấu của vũ trụ và tuổi của vũ trụ - già hơn khoảng 80 triệu năm so với các tính toán trước đó. "Đây là một bước nhảy vĩ đại trong việc thấu hiểu nguồn gốc của vũ trụ" - Tổng giám đốc ESA là Jean-Jacques Dordain nói trong một cuộc họp báo ở Paris - "Đây là bức hình gần nhất với vụ nổ Big Bang. Bạn đang nhìn vào 13,8 tỷ năm trước". Bản đồ mới được tạo thành từ dữ liệu thu thập từ vệ tinh Planck của ESA. Vệ tinh này được phóng lên vào tháng 5/2009 để nghiên cứu Phông Vi sóng Vũ trụ - những gì còn sót lại của các tia phóng xạ cổ đại đã phát ra khi vũ trụ bắt đầu nguội dần sau vụ nổ Big Bang. "Những gì chúng ta đang thấy là bức ảnh chụp bầu trời vi sóng, một bức ảnh về vũ trụ vào khoảng 380.000 năm sau vụ nổ Big Bang" - George Efstathiou, giám đốc Viện nghiên cứu Vũ trụ Kavli tại Đại học Cambridge cho các phóng viên biết./.
Linh Vũ (Vietnam+)