Công bố 13 mặt hàng có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại

Mặt hàng gỗ dán nguyên liệu là gỗ cứng được xếp ở mức 4, là mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Canada.
Công bố 13 mặt hàng có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại ảnh 1Sản xuất ván gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Trường Phát (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trong khu công nghiệp Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 13 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang 3 thị trường là Hoa Kỳ, EU và Canada (cập nhật đến tháng 7/2019).

Bộ Công Thương phân loại theo 4 mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.

Mặt hàng gỗ dán nguyên liệu là gỗ cứng được xếp ở mức 4 - mức cảnh báo cao nhất.

Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 12/2016; áp thuế tạm thời từ tháng 6/2017, áp thuế chính thức tháng 12/2017.

Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc là 183,36%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 22,98% đến 194,90%.

Tháng 9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc có lớp veneer bên ngoài làm từ gỗ thông.

[Phản hồi về chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu]

Tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Từ tháng 10/2018 đến 5 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nên USITC không công khai số liệu một số sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu cao từ Trung Quốc và Việt Nam để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với các mã HS bị điều tra đạt 25,6 triệu USD.

Hiện tại, do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam nên cần phải tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ.

Với sản phẩm đá nhân tạo, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5/2018. Thuế tạm thời được áp dụng từ tháng 9/2018, thuế chính thức được áp dụng từ tháng 5/2019.

Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc từ 265,81% đến 336,69%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 45,32% đến 190,99%.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Trung Quốc giảm 89% so với cùng kỳ năm 2018, từ mức 216,5 triệu USD xuống còn 23,6 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, kim ngạch nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 từ 21,6 triệu USD lên 26,1 triệu USD.

Ngoài ra, cảnh báo mức 3 còn có các sản phẩm giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.

Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp.

Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.

Cũng liên quan đến việc áp thuế một số dòng sản phẩm từ Việt Nam, ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép carbon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng 3 vụ điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ, thép cán nguội của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục