Công binh giải cứu 12 công nhân mắc kẹt ở Đạ Dâng như thế nào?

Ý chí sắt đá, tinh thần dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm cộng với kỹ thuật chính là những yếu tố giúp công binh Việt Nam thành công trong chiến dịch giải cứu công nhân mắc kẹt ở Đạ Dâng.
Toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (Lâm Đồng) đã được cứu sống và đưa ra ngoài an toàn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cuộc giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) là kết quả nỗ lực của nhiều lực lượng, của chính quyền và người dân địa phương, nhưng lực lượng mấu chốt đem lại thành công cho "đại chiến dịch" này là các chiến sỹ công binh Việt Nam với hàng trăm người đã được huy động trong suốt nhiều ngày.

Các phương án thi công trái chiều

Là người trực tiếp tham gia chỉ huy việc mở đường hầm tiếp cận và cứu sống các nạn nhân, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh không thể quên được những ngày cùng anh em lăn lộn trên công trường Đạ Dâng.

Đại tá Hùng cho hay: Ngày 17/12, nhận được chỉ thị của Bộ Quốc phòng cũng như sự phân công của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh, ông đã nhanh chóng cơ động vào hiện trường để chỉ huy lực lượng Công binh Quân khu 7 và Lữ đoàn 293, Tiểu đoàn 93 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh tham gia công tác cứu hộ. 11 giờ ngày 18/12 các lực lượng công binh tham gia cứu hộ mới cơ bản có mặt đủ tại công trường.

Vào thời điểm này, phương án thi công của các bên đưa ra có nhiều điểm khác nhau, có quan điểm trái chiều. Vì vậy, điều tối quan trọng làm cần có sự chỉ huy và chỉ đạo thống nhất.

Qua khảo sát Lực Công binh cùng với Cục Cứu hộ Cứu nạn xác định cần mở thêm đường hầm dự phòng. Bộ phận chỉ huy hiện trường của Bộ Tư lệnh Công binh đã đề xuất: Mở thêm đường hầm ở sát mép trong, bên trái của khối sạt trượt để giảm được chiều dài phải đào hơn 4 mét, hầm giao cho Bộ đội công binh mà chủ yếu là Lữ đoàn 293 thi công.

Phương án của Bộ Tư lệnh Công binh đã được Đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý và giao triển khai ngay. Đồng thời Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh tổng chỉ huy tất cả các lực lượng thi công trong đường Hầm thủy điện Đa Dâng.

Lực lượng Công binh tại công trường đã nhanh chóng xác định ý trí quyết tâm; vận dụng nhiều giải pháp kỹ thuật trong đó mấu chốt quyết định nhất là phương pháp thi công "Hầm trong cát" phù hợp với nền đất yếu. Đồng thời tìm đường ngắn nhất, thi công nhanh nhất để cứu các nạn nhân, nhưng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Các chiến sỹ công binh đưa nạn nhân vụ sập hầm ra ngoài (Ảnh: TTXVN)

Cuộc đua nghẹt thở

Một không khí khẩn trương và vô cùng căng thẳng đang bao trùm cả Đạ Dâng. Nước trong hầm mỗi lúc một dâng cao, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của 12 người đang bị kẹt. Bên ngoài, bộ đội Công binh vẫn bám sát “trận địa,” thi công liên tục cả ngày lẫn đêm.

“Tính tới 1 giờ ngày 19/12, toàn lực lượng mới chỉ đào được gần 5 m đường hầm thông bên trái do địa chất hết sức phức tạp, đất nhão lẫn đá tảng, sắt thép dầy đặc,” chỉ huy trưởng chiến dịch đào hầm giải cứu Đạ Dâng nhớ lại.

Lòng người bên ngoài nóng như lửa đốt khi mức nước trong hầm lúc này lên tới 1,5m và đang ngày một dâng cao. Việc thi công mở thông đường hầm từ các phía gặp khó bởi nền đất yếu, lực lượng giải cứu liên tục gặp vật cản khó khắc phục. Một số đội khoan hầm đã buộc phải bỏ dở để chuyển vị trí.

Xét thấy việc chậm tiến độ có thể ảnh hưởng tới tính mạng của 12 nạn nhân, tại “chiến địa” Đạ Dâng, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng đã khẩn trương triệu tập Hội ý chỉ huy ngay trong đêm và đề nghị điều động tăng cường thêm lực lượng đào hầm tinh nhuệ khẩn trương hành quân gần 200 km đến công trường.

Sau khi bàn bạc, Đại tá Hùng quyết định và thống nhất toàn lực lượng công binh thi công đường hầm dự bị được giao phấn đấu về đích sớm và coi đây là đường hầm cứu hộ then chốt của Quân đội, thẳng đến vị trí các nạn nhân.

Phương pháp được áp dụng lúc này là tịnh tiến khung chống, thi công dạng đào hầm cát. Vị trí đường thông lợi dụng tường thẳng phía trong bên trái đường hầm, hướng thi công dọc thân hầm.

Cuộc đua giữa sức người với thời gian ngày một trở nên nóng bỏng. Thời gian thi công một ca đã được rút ngắn từ 4 giờ xuống còn 2 giờ. Năng suất lao động tăng gấp 2,3 lần chỉ trong vòng 5 giờ sau khi có sự bổ sung và điều chỉnh. Một hệ thống đường thông từ nhiều phía để thông hơi, thoát nước, cung cấp thức ăn… dần được hình thành.

Bản thân người chỉ huy trực tiếp “chiến địa” Đạ Dâng, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng các cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh cũng ngày đêm bám sát theo dõi, động viên, hướng dẫn bộ đội thi công bảo đảm an toàn, đúng kỹ thuật; chỉ đạo cán bộ các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm vừa chỉ huy vừa trực tiếp thi công cùng bộ đội để động viên và chia sẻ khó khăn với bộ đội; chỉ đạo bảo đảm tốt hậu cần trong suốt quá trình thi công.

Kỷ lục đào hầm của công binh Việt Nam

Trong chiến dịch giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện, lực lượng Công binh cũng đã thể hiện được quyết tâm sắt đá và tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, tận dụng từng giây từng phút để đào đường hầm cứu hộ nhanh nhất.

Tiếp cận khu hầm bị sập (Ảnh: TTXVN)

Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh nhớ lại: Trong suốt cả quá trình thi công nhánh hầm bên trái, các lực lượng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí phản đối phương án thi công của lực lượng Công binh đã xuất hiện. Ban Chỉ huy Cứu hộ-Cứu nạn tỉnh Lâm Đồng triệu tập cuộc họp đột xuất lúc 12 giờ 30 ngày 19/12 nêu vấn đề dừng thi công của lực lượng Công binh vì lý do thi công không đúng phương án có thể gây mất an toàn cho người bị mắc kẹt trong đường hầm và các lực lượng Cứu hộ-cứu nạn.

“Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ phương án đã đề ra, một lần nữa chúng tôi đã thuyết phục Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng bằng cơ sở khoa học và bằng các giải pháp kỹ thuật thuộc về bí quyết nghề nghiệp của Công binh Việt Nam. Do đó Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận để các đơn vị của Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục thi công, đồng thời giao hoàn toàn chịu trách nhiệm về công tác an toàn,” Đại tá Hùng nhấn mạnh.

Lực lượng công binh với sự hỗ trợ của các chuyên gia cấp cứu mỏ đã tập trung cho việc mở hai đường hầm phụ theo hai vách hầm chính để vượt qua đoạn hầm bị sập dài 35m, tiếp cận khu vực các nạn nhân đang bị mắc kẹt để đưa họ ra ngoài.

Đến chiều 19/12, đường hầm bên phải đã tiến được hơn 20m và trong khi mọi người chờ đợi sẽ cứu người từ hướng hầm này thì bất ngờ tổ công binh đào hầm bên trái khi đã đào được 14m, thấy một lỗ thủng để từ đó phát hiện ra đoạn hầm nơi các công nhân đang bị mắc kẹt.

Đúng 16 giờ 10 ngày 19/12 lực lượng công binh đã tiếp cận, giải cứu toàn bộ 12 nạn nhân trong hầm, kết thúc thành công chiến dịch giải cứu trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người.

“Chúng tôi đã đào đường hầm với tốc độ 1 giờ/1m và cũng là kỷ lục đào hầm của công binh Việt Nam,” Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cho hay.

Ý chí sắt đá cũng như quyết tâm cứu bằng được 12 người còn đang bị mắc kẹt, trong những ngày nửa cuối tháng 12/2014, bộ đội Công binh đã tái hiện lại những ngày “phá núi, xẻ hầm” của lịch sử ngay tại cao nguyên Lâm Đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục