Công an Đà Nẵng vận hành, bán hàng trên 30 container cho điểm dân cư

Bắt đầu từ ngày 28/8, cán bộ chiến sỹ công an thành phố trực tiếp quản lý, đảm nhận việc vận hành bán hàng thiết yếu phục vụ người dân với giá bình ổn.
Các tuyến đường, công viên, khu dân cư tại thành phố Đà Nẵng vắng người trong những ngày thực hiện yêu cầu ''ai ở đâu ở yên đó''. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ca bệnh cộng đồng có xu hướng sẽ giảm

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 24/8 đến 13 giờ ngày 25/8, thành phố ghi nhận 162 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 63 trường hợp chưa được cách ly, 34 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm thời ở nhà, 42 trường hợp trong khu phong tỏa, 23 trường hợp chưa cách ly. Như vậy, tính từ ngày 7/8 đến nay, thành phố ghi nhận 3.311 trường hợp mắc COVID-19.

Trong ngày 25/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 121.370 lượt người; phát hiện, cách ly 119 F1, 63 F2; đang điều trị cho 1.835 bệnh nhân, cho xuất viện 85 bệnh nhân.

Từ khi bắt đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường, Đà Nẵng đã xét nghiệm 13.731 lượt người liên quan chợ này. Qua đó, phát hiện 232 ca mắc COVID-19 là tiểu thương, người làm việc tại chợ, 49 ca là người đi chợ. Thành phố còn ghi nhận 816 trường hợp ngoài cộng đồng là F1, trong khu phong tỏa liên quan đến F0 của chợ Đầu Mối.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh đánh giá, trong 162 trường hợp mắc COVID-19, có 58 trường hợp khó có khả năng lây cho cộng đồng, 104 ca khả năng lây cho cộng đồng.

Hiện 6/7 quận huyện có ghi nhận số ca mắc nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Ngũ Hành Sơn). Các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao nhất gồm quận Hải Châu (58 ca), quận Thanh Khê (23 ca), quận Cẩm Lệ (12 ca).

Đến thời điểm này, toàn thành phố có 207 khu vực vùng đỏ, tương ứng với 6.990 hộ, khoảng 27.000 nhân khẩu, và số liệu vẫn tiếp tục cập nhật.

[Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp "ai ở đâu ở yên đấy" thêm 10 ngày]

Ông Thạnh nhận định, nhờ xét nghiệm đại diện hộ gia đình, Đà Nẵng đã liên tục phát hiện, tách khỏi cộng đồng và xử lý 29 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Dự báo số lượng ca bệnh vẫn còn được ghi nhận nhiều nhờ công tác rà soát, xét nghiệm đang được triển khai thực hiện đúng với tình hình dịch. Xu hướng ca bệnh cộng đồng có thể sẽ giảm, tuy nhiên số lượng ca bệnh trong các khu vực phong tỏa và ca bệnh là các trường hợp F1, F2 liên quan sẽ gia tăng trong thời gian tới. Nếu tiếp tục áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo rà soát các trường hợp mắc và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ được khống chế.

Lên phương án mở thí điểm chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa

Về việc đổi ca "ba tại chỗ" của các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho hay, hiện có 117 doanh nghiệp đăng ký “ba tại chỗ," để thực hiện đổi ca vào ngày 26/8, từ 5 giờ đến 9 giờ các công nhân phải mang theo giấy tờ tùy thân, thẻ công nhân, giấy đi đường.

Liên quan đến phương án mở lại một số chợ truyền thống trong thời gian đến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay nếu cho mở chợ truyền thống, thành phố sẽ ưu tiên mở lại chợ ở khu vực vùng vàng, vùng xanh, với mỗi mặt hàng không quá 30% tiểu thương.

Bên cạnh đó, trước khi mở lại chợ, cơ quan chức năng phải khử khuẩn khuôn viên chợ; các tiểu thương phải được tiêm vaccine ít nhất một lần, xét nghiệm định kỳ, thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Người mua hàng là những thành viên Ban điều hành của phường xã, đi chợ trong khung giờ và được kiểm soát mua bán. Thời gian hoạt động từ giờ 7 giờ đến 11 giờ hằng ngày.

Chương trình trao rau củ quả hỗ trợ người dân trong khu vực bị cách ly trên địa bàn quận Sơn Trà. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Minh, nếu lãnh đạo thành phố chấp thuận, thành phố sẽ thí điểm mở chợ Hàn, chợ An Hải Bắc vào ngày 27/8; sau khi thực hiện thí điểm tốt, sẽ mở dần các chợ.

Ngoài ra, thành phố có phương án mở các tạp hóa trong khu vực xanh, với điều kiện cửa hàng ở nơi thông thoáng, có hàng rào mềm, người bán hàng phải tiêm vaccine, đảm bảo 5K của Bộ Y tế; người mua là thành viên ban điều hành của các phường xã. Tổng số hàng tạp hóa mở không quá 30% trên địa bàn phường.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, cho hay công an thành phố đã vận động một đơn vị logistic cho thành phố mượn 30 container chở hàng đông lạnh để thiết lập các chợ tạm bán hàng cho dân. Cán bộ chiến sỹ công an thành phố trực tiếp quản lý, đảm nhận việc vận hành bán hàng thiết yếu phục vụ người dân với giá bình ổn. Các chợ tạm này bắt đầu từ ngày 28/8 và trước mắt, sẽ cung ứng hàng hóa cho 30 phường khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay ngày mai (26/8), Đà Nẵng sẽ tiếp tục giãn cách thêm 10 ngày, với các biện pháp gần như không có gì thay đổi.

Theo Bí thư Thành ủy, trong những ngày tới, thành phố phải đảm bảo hai mục tiêu đó là chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và người dân “ai ở đâu, ở yên đó."

Liên quan đến vấn đề thay ca làm việc của các cơ quan, đơn vị, Bí thư Thành ủy đề nghị, sáng 26/8, từ 5 giờ, các lực lượng chức năng triển khai lực lượng tuần tra, nhắc nhở người dân thực hiện đổi ca phải đảm bảo đúng nguyên tắc một cung đường, một điểm đến. Tuyệt đối không để người dân tụ tập tại các điểm bán lẻ, siêu thị và yêu cầu các siêu thị cũng không được bán lẻ cho người dân. Sau 9 giờ, ngày 26/8, các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những trường hợp còn ở ngoài đường.

Về việc cung ứng thực phẩm cho người dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ, đây là nội dung quan trọng đảm bảo an sinh cho người dân. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng các phương án đảm bảo thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tới.

Với phương án mở các cửa hàng tạp hóa, các địa phương phải tổ chức mở đối với những cửa hàng ở khu vực thông thoáng, tuyệt đối không mở cửa hàng ở ngõ hẻm, vì nguy cơ ở ngõ hẻm nguy cơ cao. Riêng vấn đề tổ chức các chợ, các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu mô hình chợ tạm rút kinh nghiệm của quận Sơn Trà về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu lực lượng công an, quân đội tham gia vào việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, biểu dương công an thành phố về giải pháp tổ chức cung ứng thực phẩm. Các lực lượng khác như Thanh niên, Phụ nữ phải tham gia, đáp ứng như cầu thực phẩm của các địa phương.

Cục Quản lý thị trường và Ban An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai thực hiện kiểm tra vấn đề giá cả trong việc cung ứng, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống hàng ngày và báo cáo cho lãnh đạo thành phố. Ngành y tế xác lập ngay địa điểm cách ly, trong trường hợp lái xe test nhanh dương tính với SARS-CoV-2…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục