Kết luận về côn trùng "lạ" gây hại cho rau hoa tại Đà Lạt

Côn trùng "lạ" gây hại cho rau hoa tại Đà Lạt là loài rết vườn

Từ năm 2013, tại các vùng rau, hoa của Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" gây hại cho cây trồng. Kết quả giám định xác nhận đây là loài rết vườn.

Ngày 13/10, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng Lại Thế Hưng cho biết, từ năm 2013, tại các vùng rau, hoa của Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" gây hại cho cây trồng.

Đây là đối tượng gây hại mới, không thuộc các nhóm sâu hại thông thường nên Chi cục Bảo vệ Thực vật đã lấy mẫu và gửi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định.

Kết quả giám định xác nhận đây là loài Scutigeralla immaculate Newport (còn gọi là rết vườn).

Nông dân làm vườn thường gọi loại côn trùng này là “siêu nhân” vì loài này di chuyển rất nhanh, tấn công thẳng vào bộ rễ của cây khiến cây héo rồi chết.

Rết vườn có chiều dài cơ thể trung bình từ 5-8 mm, 6-12 cặp chân và có đặc tính lẩn trốn nhanh, giả chết, hoạt động mạnh trong môi trường đất ẩm ướt, giàu chất hữu cơ, tơi xốp…

Trong thời gian qua, rết vườn đã gây hại trên nhiều loại cây trồng như cải thảo, cải bẹ, bó xôi, xà lách, dâu tây, hành tây, bắp cải, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng… trồng tại Đà Lạt. Trong đó rau bó xôi, cải thảo, cải bẹ có mức độ bị gây hại nặng nhất. Trong khoảng 10 ngày, Scutigeralla immaculate Newport có thể làm chết 100m2 vườn rau hoa.

Để phòng trừ rết vườn, người dân có thể sử dụng các biện pháp canh tác như làm đất kỹ, cày sâu để nghiền nát rết vườn; xử lý vôi bột với đất trước khi xuống giống, luân canh với cây trồng ít mẫn cảm.

Ngoài ra có thể sử dụng chế phẩm nấm xanh xử lý đất, sử dụng thuốc Biosun 123 rải vào đất trước khi trồng (liều lượng 5kg/100m2)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục