Trước kia, phim Nhà nước làm ra chiếu miễn phí tại rạp chẳng mấy ai đi xem. Theo thời gian, nhiều tác phẩm bị “đắp chiếu” rồi trôi vào quên lãng. Và phải chờ đến khi thí điểm bán vé thì bỗng nhiên phim Nhà nước lại tạo thành cơn sốt phòng vé.
Đây là câu chuyện của phim “Đào, phở và piano” trong đầu năm 2024 đồng thời là nghịch lý phản ánh hiện thực nhức nhối về phim Nhà nước, cơ chế cũ kỹ và yêu cầu buộc phải đổi mới trong công tác quản lý.
Phim muốn hay cần có khán giả
"Đào, phở và piano" là phim do Nhà nước đặt hàng năm 2023, Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn (Hãng phim truyện 1) là đạo diễn kiêm biên kịch.
Nếu coi việc khán giả đổ dồn tới rạp là thành công của một bộ phim, thì “Đào, phở và piano” đang làm nên “kỳ tích,” bởi từ trước tới nay, chưa từng có trường hợp một phim nhà nước được quan tâm rầm rộ đến vậy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phòng vé của “Đào, phở và piano”: Hiệu ứng truyền miệng tích cực trên mạng xã hội, chất lượng phim, hiệu ứng đòn bẩy từ phim Trấn Thành, cơ chế chiếu hạn hẹp (ở 1 rạp) của Nhà nước.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, “Đào, phở và piano” là tác phẩm tốt và được chính khán giả khuyến khích nhau ra rạp (nhờ hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội).
Đạo diễn Bùi Trung Hải (phim “Khi nắng thu về”) cũng đồng tình và cho rằng độ phủ sóng quá lớn và dài ngày của phim "Mai" (Trấn Thành) khiến một lượng khán giả phải đi tìm món “giải ngấy.”
Cũng theo đạo diễn này, quy mô chiếu hạn chế trong những ngày đầu (chỉ chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia), cùng lượng lớn khán giả có tinh thần dân tộc cao giúp hiệu ứng được gấp lên nhiều lần. Hình ảnh khán giả xếp hàng dài mua vé càng tăng thêm phần tò mò.
Nói cách khác, “Đào, phở và piano” may mắn có được những điều kiện thuận lợi và cũng đầy bất ngờ để được quan tâm như hiện nay.
Đoạn trích gây sốt của phim "Đào, Phở và Piano"
Bộ phim điện ảnh "Đào, Phở và Piano" của Hãng phim truyện 1 (đạo diễn Phi Tiến Sơn, diễn viên chính Doãn Quốc Đam) đang gây sốt tại phòng vé, khiến giới trẻ tự hào với lịch sử dân tộc.
Qua những nhận xét phim, tác phẩm bắt đầu sống trong lòng khán giả. Khán giả chính là động lực để nhà làm phim tạo nên tác phẩm tốt, tác động đến nhiều người. Bởi vậy, chất lượng của bộ phim và khán giả gây ra tác động qua lại với nhau.
Thế nhưng, bên cạnh tác động từ cộng đồng mạng, câu chuyện của “Đào, phở và piano” một lần nữa lại chỉ ra những bất cập “cố hữu” đã tồn tại từ lâu về cơ chế đối với phim Nhà nước.
Cần chấm dứt tình trạng “không kèn, không trống”
Cần hiểu thành công của “Đào, phở và piano” không thể bảo chứng cho những phim nhà nước khác. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (phim "Dành cho tháng Sáu") nhận xét trường hợp của “Đào, phở và piano” chỉ là trường hợp cá biệt đồng thời là dịp để chỉ ra: Bộ phim làm từ ngân sách Nhà nước thì không được phép kinh doanh.
“Hiện nay, không có quy định về việc kinh doanh phim Nhà nước. Để làm được việc này thì Nhà nước phải lập ra một doanh nghiệp riêng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu hoạt động không hiệu quả, nếu phim không thành công, sẽ gây thêm nhiều hao hụt ngân sách,” đạo diễn này nhận định.
Theo chủ trương trước đây, một phim được đặt hàng làm từ ngân sách Nhà nước sẽ được chiếu miễn phí để đảm bảo người dân tiếp cận rộng rãi. Tuy nhiên nghịch lý xảy ra là nhiều tác phẩm không đến được với khán giả, ra mắt “không kèn không trống” rồi lặng lẽ “biến mất,” “cất kho.”
“Để chiếu được đến nhiều khán giả thì buộc phải làm tốt khâu phát hành, tức là không chỉ chiếu tại các cơ sở quốc doanh, mà còn phải phát hành ra diện rộng như các phim tư nhân khác,’” nhà làm phim lâu năm Đào Thanh Hưng (Bộ tứ 10A8) khẳng định.
Ở trường hợp của “Đào, phở và piano,” chỉ sau khi Trung tâm chiếu phim Quốc gia “thất thủ” vì quá tải mới có hai hệ thống rạp tư nhân là Beta Cinemas và Cinestar tham gia chiếu phim. Do không thể kinh doanh phim dùng ngân sách Nhà nước, hai hệ thống này chấp nhận chiếu phi lợi nhuận. Tiền vé thu về phải trả lại cho ngân sách.
“Đào, phở và piano” chính thức công chiếu trên nhiều tỉnh thành từ ngày 22/2
Sau 4 ngày "gây sốt," phim do nhà nước đặt hàng - "Đào, phở và piano" sẽ được mở rộng phạm vi chiếu ra 2 cụm rạp tư nhân, có hệ thống rạp tại nhiều tỉnh trên cả nước.
Những nhà rạp khác như CGV, BHD, Galaxy… đều không tham gia chiếu. Đại diện BHD - bà Ngô Bích Hạnh - nhận định nếu chiếu, rạp cần được chia một phần kinh phí để đảm bảo nhân lực và máy móc vận hành chứ không thể chiếu “không công”. Phía nhà rạp để xuất những thay đổi phù hợp trong cơ chế, một trong số đó là cho phép nhà sản xuất của phim chủ động trong việc phát hành (bao gồm quảng bá và chiếu).
Đạo diễn Phan Đăng Di (từng công tác tại Cục Điện ảnh) có chung nhận định và cho rằng Nhà nước có thể yêu cầu các cụm rạp trích % doanh thu sau phát hành để tái đầu tư cho các phim nghệ thuật khác.
Rộng hơn, nhà làm phim này nói phim Nhà nước cần những tiêu chí khác để đánh giá hiệu quả một tác phẩm: “Phải hiểu đầu tư cho phim Nhà nước không phải làm xong phim là xong việc. Chúng ta đang thiếu những tiêu chí rõ ràng cho việc này, phải thấy bộ phim đi được tới đâu, làm được gì, chẳng hạn phải đi được liên hoan phim quốc tế, tiếp cận được tới bao nhiêu khán giả… mới tính là đạt mục tiêu,” đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024, việc thí điểm bán vé phim Nhà nước được thực hiện cũng đặt ra một loạt câu hỏi như: Phim Nhà nước vốn được làm từ tiền ngân sách (trong đó bao gồm tiền thuế của người dân) thì mức giá vé bao nhiêu là phù hợp? Số tiền vé thu về có thể dùng cho việc quảng bá được không, bởi đây là công đoạn quan trọng nhưng còn đang thiếu? Các rạp chiếu phim Nhà nước thì có được chia sẻ một phần doanh thu từ việc bán vé hay không?...
Báo Điện tử VietnamPlus đã đặt câu hỏi này cho đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng chưa có câu trả lời./.
Ngày 6/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 316/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước (thí điểm chiếu phim Nhà nước có bán vé).
Bên cạnh "Đào, phở và piano," còn có phim "Hồng Hà nữ sỹ" và chùm 6 phim hoạt hình Việt Nam khác gồm: "Giấc mơ của con" (Bông sen Vàng, Liên hoan Phim Việt Nam) "Bà của Đỗ Đỏ," (Bông sen Bạc), "Cái đuôi của cậu Ấm," "Gia sản kếch xù," "Cô bé tóc xù," "Người hùng."