Một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của robot hình người Sophia đã được bán với giá 688.888 USD trong cuộc đấu giá vào thứ Năm dưới dạng NFT (Non-fungible token) - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm.
Đây là dấu hiệu mới nhất của “cơn sốt” trong thế giới nghệ thuật NFT đang khiến giới đầu tư và tài chính chú ý.
Tác phẩm của Sophia
Sophia, robot hình người ra mắt thế giới vào năm 2016, đã thực hiện tác phẩm của mình với sự hợp tác của họa sỹ kỹ thuật số người Italy Andrea Bonaceto.
Ông Bonaceto nổi tiếng với những bức chân dung đầy màu sắc, trong đó có nhiều bức vẽ những người nổi tiếng chẳng hạn như Giám đốc điều hành của Tesla, tỷ phú Elon Musk.
Nhà sáng tạo của Sophia, ông David Hanson, cho biết robot đã kết hợp các yếu tố từ các tác phẩm của họa sỹ Bonaceto, lịch sử nghệ thuật hội họa và các bản vẽ hoặc bức tranh vật lý của chính cô ấy trên các bề mặt khác nhau.
Với tiêu đề "Sophia Instantiation," tác phẩm kỹ thuật số là một tệp MP4 dài 12 giây cho thấy sự phát triển từ bức chân dung do họa sỹ Bonaceto vẽ trở thành bức tranh kỹ thuật số của Sophia.
Tác phẩm cũng đi kèm theo một sản phẩm nghệ thuật thực tế được Sophia vẽ trên bản in chân dung tự họa của cô ấy.
Ông Hanson cho biết anh rất ngạc nhiên khi chứng kiến cuộc đấu giá tăng tốc nhanh như thế nào.
[Cảnh báo nhiều hệ luỵ khi tham gia các hoạt động giao dịch tiền ảo]
Trong khi đó, nhà sưu tập nghệ thuật và nhà đầu tư blockchain Jehan Chu tin rằng có một nguồn tiền không nhỏ đang chờ đợi để đầu tư vào hàng hóa kỹ thuật số. Dù lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số vẫn chưa nổi bật trong hiện tại, ông nhận thấy tiềm năng rất lớn của nó trong tương lai.
Ông Chu nhận định những gì đang xảy ra như một quả bong bóng, đặc biệt là trong thế giới nghệ thuật NFT. Song nó cho thấy một sự thay đổi lớn đang diễn ra về cách xã hội và cách người tiêu dùng nghĩ về hàng hóa kỹ thuật số.
NFT là gì
Diễn giải theo cách đơn giản nhất, NFT là một mục nhập trên một blockchain - công nghệ sổ cái kỹ thuật số phi tập trung làm nền tảng cho các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin.
Điểm khác biệt ở giữa hai loại hình này là bitcoin có thể thay thế được, có nghĩa là một đồng bitcoin về cơ bản không thể phân biệt được với đồng bitcoin khác khác và chúng tương đương về giá trị.
Trong khi đó, NFT là chuỗi mã thông báo không thể thay thế và hoàn toàn khác biệt trên các blockchain.
Vì vậy NFT có thể đại diện cho những thứ “có một không hai,” như một bức ảnh chụp cực hiếm hoặc thậm chí một bức tranh như trường hợp của Sophia nêu trên.
Bởi lẽ NFT là duy nhất và được lưu trữ trên blockchain, tính xác thực của chúng là không thể bàn cãi. Điều đó đặc biệt quan trọng khi tài sản do NFT đại diện được lưu trên không gian kỹ thuật số.
Bình thường, các tệp số hóa có thể được sao chép vô hạn và hoàn hảo, do đó rất khó để chứng thực sở hữu hoặc giao dịch chúng. NTF giải quyết vấn đề này bằng cách chứng minh rằng một tệp kỹ thuật số là “bản gốc” duy nhất của tác phẩm hay tài sản đó.
Khi mua NFT, người mua có cả bản ghi quyền sở hữu không thể xóa của một tài sản và quyền truy cập vào tài sản thực tế. Những tài sản này có thể là bất cứ thứ gì.
Hiện tại, chúng chủ yếu là các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc thẻ trò chơi.
Một số là hàng hóa ảo chỉ tồn tại trong thị trường bán chúng và một số được đóng gói trong các định dạng quen thuộc như JPEG hoặc PDF. Một số ít NFT là các bản ghi kỹ thuật số về quyền sở hữu của một đối tượng cụ thể có ngoài đời thực.
“Cơn sốt” NFT có kéo dài?
Dù mới được chú ý trong thời gian gần đây, thị trường NFT đã nhanh chóng mở rộng. Cách đây ba năm, toàn bộ thị trường NFT chỉ được định giá không quá 42 triệu USD.
Sang tới cuối năm 2020, ước tính mới nhất từ chuyên trang theo dõi thị trường NFT Nonfungible.com, con số trên đã tăng mạnh lên 338 triệu USD.
Dù chưa có ước tính chính xác trong hiện tại, nhưng chắc chắn quy mô thị trường NFT đã tăng cao hơn nữa khi xem xét giá của các NFT được bán trong hai tháng đầu năm 2021: tính đến tháng Hai, đã có gần 150.000 NFT được bán ra với tổng trị giá khoảng 310 triệu USD. Con số này gấp gần 5 lần lượng được bán trong cả năm 2020.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính nhận định NFT chỉ là cách thức kiếm tiền mới nhất của thế giới tiền điện tử (cryptosphere - ngành công nghiệp quay xung quanh blockchain, bitcoin và các loại mã đại diện khác).
Sau cuộc đấu giá kỷ lục các bản phác thảo kỹ thuật số của nghệ sỹ Beeple, người ta phát hiện bên mua có biệt danh là MetaKovan cũng là người sở hữu quỹ NFT lớn nhất thế giới, đồng thời đã là chủ sở hữu lớn nhất của các tác phẩm do Beeple sáng tác.
Vì vậy, các thương vụ NFT khó có thể coi là đại diện cho giá trị thị trường thực của NFT, mà chỉ là chi tiêu cho việc quảng bá.
Ông Frances Coppola, một nhà bình luận tài chính và kinh tế cho rằng “cơn sốt” NFT hiện tại được thúc đẩy bởi mong muốn làm giàu thuần túy trên thị trường tiền điện tử.
Chuyên gia này nhận định nó chỉ là một trong số những bong bóng tài chính khác đã từng xảy ra.
Giới quan sát đã cẩn trọng nhắc lại bong bóng có phần tương tự và đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 2017: các đợt phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) Giống như NFT, các hạn chế về tạo và bán những đồng tiền ảo này rất thấp, đồng nghĩa là hàng nghìn phiên bản ICO đã được tạo ra và thu về hàng tỷ USD đầu tư.
Tuy nhiên, “bong bóng” ICO cuối cùng cũng nổ khi công chúng biết rằng các đồng tiền kỹ thuật số này thực chất không hiếm như quảng cáo.
NFT cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Bất kỳ ai cũng có thể tạo một trong các mã đại diện, ngay cả khi họ không sáng tạo ra nội dung được mã hóa. Nói cách khác, mặc dù bức tranh của Beeple thực sự được tạo ra bởi nghệ sỹ gốc và người mua có thể chứng minh họ có "bản gốc," bất kỳ ai khác cũng có thể tạo ra NFT của một bức ảnh ghép kỹ thuật số giống hệt, hoặc sao chép một nội dung bất kỳ trên Internet.
Giá trị thực tế của NFT không được quy ước bởi bản thân tác phẩm nghệ thuật, mà bởi ý tưởng rằng chứng chỉ kỹ thuật số về xuất xứ của nó tự có giá trị riêng.
Ông Edmund Schuster, Phó Giáo sư luật doanh nghiệp tại Trường Kinh tế London, cho biết điều công chúng cần hiểu là những gì đang được giao dịch không phải là tác phẩm nghệ thuật, mà là sự tham gia thị trường. Mọi người có thể chủ quan gán giá trị cho một thứ gì đó mà không ai có thể phủ nhận chúng, ngay cả khi sản phẩm không có giá trị khách quan nào. Do đó, cơn sốt NFT có thể sẽ tồn tại một thời gian lâu hơn vì tính mới mẻ và sự cường điệu xung quanh xu hướng này vẫn có một số giá trị nhất định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng dù nhà đầu tư mua vào một chai vang Mouton Rothschild bản 1982 hay một bức tranh CryptoKitty, việc đổ tiền vào các thị trường thay thế mang lại rủi ro lớn và ít thu lời hơn so với những thị trường chính thống hơn, chẳng hạn như cổ phiếu.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của ngân hàng Citi cho thấy thị trường buôn bán sản phẩm nghệ thuật đương đại tạo ra lợi tức hàng năm 7,5% trong giai đoạn từ 1985-2018. Vài cùng giai đoạn đó, cổ phiếu có mức lợi nhuận 10%.
Dù thị trường NFT hiện đang tăng giá, không thể phủ nhận rằng nó chủ yếu mang tính đầu cơ và có thể sẽ trải qua những biến động tương tự các loại tiền điện tử trong vài năm qua.
Ví dụ trực quan nhất chính là đồng bitcoin. Tính đến hiện tại, đồng tiền kỹ thuật số này có giá khoảng hơn 52.000 USD/BTC. Cách đây một năm, bitcoin có giá trị chưa bằng 1/5 con số này./.