Chiều 10/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 136/2016 Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Quyết định 1640 Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết tính đến tháng 10/2016, đã có 53/63 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện và áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 14.437 người nghiện ma túy, trong đó có 4.015 người có nơi cư trú ổn định. Hiện vẫn còn 10 tỉnh, thành phố chưa đưa được đối tượng nào vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cho rằng, hiện nay việc xác định tình trạng nghiện, tình trạng cư trú của người nghiện ma túy vẫn còn khá bất cập và chưa đồng nhất giữa các địa phương. Chính vì thế tại một số địa phương, tình trạng đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc một cách ồ ạt, không kiểm soát đã diễn ra. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở vật chất của các trung tâm, cơ sở cai nghiện đã xuống cấp, gây nên sự quá tải trầm trọng.
Nói rõ hơn về nguyên nhân xảy ra tình trạng đập phá, trốn trại của các học viên cai nghiện ma túy xảy ra liên tục tại Trung tâm cai nghiện ma túy Đồng Nai những ngày vừa qua, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết trong số 1.481 trường hợp nghiện ma túy đang thực hiện cai nghiện tại đây có đến 82% là nghiện ma túy tổng hợp và hơn 30% người từng có tiền án tiền sự. Trong khi đó, hiện cơ sở này chỉ có hai bác sĩ điều trị, đã không thể kiểm soát được các chứng loạn thần, ảo giác, không làm chủ được mình của các học viên này.
Theo ông Hồ Văn Lộc, địa phương đã quá nóng vội khi đẩy phần lớn người nghiện ma túy trên địa bàn vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện nhằm giảm tệ nạn xã hội trong cộng đồng. Với sức chứa 800 học viên, Trung tâm này hiện phải tiếp nhận đến hơn 1.400 học viên.
Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng hiện các địa phương vẫn đang xem nhẹ công tác cai nghiện tại cộng đồng, mà chỉ lo đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc trong khi hiện nay các cơ sở này đều đã xuống cấp, lực lượng nhân sự phụ trách, nhân viên bảo vệ còn mỏng, tình trạng “vỡ trận” là không thể tránh khỏi.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chỉ đạo: “Các địa phương cần sàng lọc ngay tại chỗ đối tượng nào cai nghiện tại cộng đồng, đối tượng nào đưa vào cơ sở cai nghiện. Phương châm là vẫn ưu tiên hình thức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.” Bên cạnh đó, các trung tâm, cơ sở cai nghiện cần có sự phối hợp với công an để phân loại, đối tượng nào có tiền án tiền sự, đối tượng cộm cán để sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp, tránh kéo bè kéo cánh, kích động lẫn nhau.
Tại hội nghị, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương không được chủ quan, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện, hoàn thành chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc theo Nghị quyết 98NQ/CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới của Chính phủ trước ngày 31/12./.